Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh có thêm nhiều ấn phẩm mới

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ ra mắt nhiều ấn phẩm mới thuộc Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh. Được thực hiện từ năm 1999, sau hơn 20 năm, không kể bộ sách điện tử và bản đồ, tủ sách đã có hơn 50 đầu sách giấy được ra mắt bạn đọc.

Cùng với việc tặng Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, hoàn thiện Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Quận ủy quận 6 (TPHCM), thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dịp này, NXB Trẻ còn ra mắt nhiều ấn phẩm mới thuộc Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.

Sau hơn 20 năm, không kể bộ sách điện tử và bản đồ, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đã có hơn 50 đầu sách giấy được ra mắt bạn đọc

Sau hơn 20 năm, không kể bộ sách điện tử và bản đồ, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đã có hơn 50 đầu sách giấy được ra mắt bạn đọc

Hồ Chí Minh bàn về quân sự

Tư duy quân sự Hồ Chí Minh đậm chất “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, trong đó nổi bật là nghệ thuật đánh địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao; tiến công liên tục, đánh thắng từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tư duy quân sự thiên tài đó bắt nguồn từ truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, và được làm phong phú thêm bởi khoa học quân sự nước ngoài.

Ấn phẩm Hồ Chí Minh bàn về quân sự gồm 6 tác phẩm nhỏ: Phép dùng binh của ông Tôn Tử, Chiến thuật du kích, Những hiểu biết cơ bản về quân sự, Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh, Kinh nghiệm du kích Tàu và Kinh nghiệm du kích Pháp.

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh do NXB Trẻ vừa trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh do NXB Trẻ vừa trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc

Tác phẩm Hồ Chí Minh với ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc tập hợp và hệ thống theo chủ đề, có sự liên hệ, đối chiếu với những biến chuyển nhanh chóng, sâu rộng của tình hình trong nước và quốc tế, giúp độc giả dễ hình dung cũng như qua đó khẳng định giá trị, tầm vóc của những tư tưởng, lời dạy của Bác Hồ. Sách cũng có thể làm tài liệu tham khảo trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay.

Thư riêng của Bác Hồ

Được ra mắt vào dịp kỷ niệm lần thứ 116 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm nay, ấn phẩm Thư riêng của Bác Hồ do ông Trần Quân Ngọc sưu tầm và giới thiệu tiếp tục được tái ngộ bạn đọc. Quyển sách bao gồm các bức thư của Bác Hồ và được chia thành các chủ đề: Những bức thư gửi cho người Mỹ; Những bức thư gửi cho người Pháp, cả những người bên đối phương lẫn bạn bè, đồng chí của chúng ta; Những thư riêng gửi cho đồng bào, đồng chí; Thư gửi cho bầu bạn các nước anh em; Những lá thư chỉ thị.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Quận ủy quận 6 (TPHCM)

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Quận ủy quận 6 (TPHCM)

Kèm theo những lá thư là đôi điều thuyết minh về hoàn cảnh ra đời của thư. Những lá thư này là một mảng tư liệu phong phú, quý báu, trung thực, giúp chúng ta và bạn bè thế giới tìm hiểu thêm về các khía cạnh của cuộc đời hoạt động sôi nổi, không biết mệt mỏi của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu, niềm tự hào của dân tộc ta, đất nước ta.

Khắc sâu lời Bác

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan vào bộ đội năm 1949, ông học khóa 5 Trường Lục quân rồi công tác ở Cục Thông tin, sau là Phòng Tuyên huấn. Với vai trò là cán bộ tuyên huấn, ông thường tìm đọc các tài liệu về Bác Hồ. Ông được gặp Bác ba lần, trong đó có hai lần vinh dự được làm phiên dịch tiếng Nga cho Bác. Từ năm 1991 - 2001, ông là cộng tác viên của Viện Mác Lênin - Hồ Chí Minh, tham gia biên soạn nhiều bộ sách quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh như Hồ Chí Minh - Toàn tập; Hồ Chí Minh - Tiểu sử, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử.

Sau khi rời Viện, ông dành nhiều thời gian sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Hồ, để đảm bảo về mặt nội dung, ông tìm đến tận nhà các nhân vật từng may mắn có cơ hội được gặp Bác Hồ để kiểm chứng thông tin. Với lối viết ngắn gọn, tình cảm, 34 mẩu chuyện trong Khắc sâu lời Bác được tác giả kể lại kèm theo lời bình với mục đích: “Qua mỗi câu chuyện kể trong cuốn sách, mỗi ngày, mỗi gia đình, thầy cô giáo, anh bộ đội, chị công nhân... có thể rút ra được một điều gì đó ý nghĩa để làm theo Bác”.

Một số ấn phẩm vừa ra mắt trong Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh

Một số ấn phẩm vừa ra mắt trong Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh

Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp

Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ vào ngày 6-3-1946, hai bên Việt-Pháp tiếp tục xúc tiến hội đàm tại Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau để đàm phán về nền độc lập của Việt Nam và việc thống nhất Việt Nam. Vì Pháp không thực tâm đàm phán hòa bình và sau khi Hội nghị trù bị Việt-Pháp tại Đà Lạt tan vỡ do lập trường hiếu chiến của thực dân Pháp, phía Việt Nam đã chủ động tổ chức một phái đoàn Quốc hội của Việt Nam sang thăm thiện chí, hữu nghị Quốc hội và nhân dân Pháp.

Chuyến đi thăm chính thức nước Pháp từ quý III tới quý IV năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo lời mời của Chính phủ Pháp cũng nhằm mục đích giương cao ngọn cờ độc lập và thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam. Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp của Đ.H, ghi chép hành trình và công việc mỗi ngày của Người trong thời gian gần 100 ngày trên đất Pháp, từ 31-5 đến 11-8-1946 gửi về đăng trên báo Cứu quốc từ số 402, ngày 11-11-1946 đến số 439, ngày 17-12-1946, trong thời điểm vận mệnh của Tổ quốc ở vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Tin cùng chuyên mục