Tủ sách có ý nghĩa gì với người viết sách?

Bây giờ, có một sự thật, nơi sang trọng nhất của mỗi ngôi nhà thường dùng để trưng bày tủ rượu, chứ không phải tủ sách. Tôi rất muốn khẳng định mình đã nhìn nhầm hoặc nói nhầm, nhưng đáng tiếc, đó vẫn là điều không thể phủ nhận khi phong trào cổ vũ văn hóa đọc đang diễn ra khá hào hứng.

Tủ sách của một nhà văn ở TPHCM
Tủ sách của một nhà văn ở TPHCM

Tuy nhiên, trên tổng thể bức tranh ấy, vẫn có không ít người nâng niu tủ sách như một báu vật gia đình. Thu hẹp góc độ quan sát chút nữa, tủ sách của nhà văn có vị trí ra sao và có ý nghĩa ra sao?

Tôi may mắn từ nhỏ đã gắn bó với tủ sách. Cha tôi là một thầy thuốc mê đọc sách, nên tích lũy được nhiều tủ sách, mỗi tủ sách một đề tài. Tôi lớn lên ở một thị xã nhỏ, thời bao cấp không có phương tiện giải trí nào khác, nên tôi lần mò đọc hết tủ sách của cha tôi. Sau khi đọc Hồng lâu mộng, Thủy hử, Tam quốc chí, Tây du ký, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình…, tôi chuyển qua đọc cả Lênin toàn tập lẫn bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh. Có cuốn tôi hiểu, nhưng cũng có cuốn tôi chẳng hiểu gì. Không sao, đọc như một thú vui, và dần dần hình thành một thói quen. Vào đời, tôi theo nghề cầm bút, có lẽ cũng nhờ bệ phóng từ tủ sách của cha tôi.

Tôi đã từng ghé tư gia hàng trăm đồng nghiệp. Trừ những nhà văn có hoàn cảnh khó khăn phải chấp nhận sống trong không gian chật chội tạm bợ, thì hầu hết nhà văn đều có tủ sách của riêng họ. Thậm chí có những nhà văn, hệ thống tủ sách kết nối của họ chỉn chu và quy mô không thua kém một thư viện cấp tỉnh, như nhà văn Trịnh Bửu Hoài, Vũ Quần Phương, Nguyễn Vũ Tiềm hoặc Lê Minh Quốc.

Điểm độc đáo của tủ sách nhà văn là chỉ cần liếc qua cũng hiểu được ít nhiều về nhà văn ấy, từ quan hệ cá nhân, lĩnh vực quan tâm, đến đề tài yêu thích. Bởi lẽ, nhà văn không mấy ai có hào hứng sưu tầm và lưu trữ những thứ không có giá trị thiết thân với họ. Cho nên, nếu không tính từ điển các loại, tủ sách nhà văn chủ yếu là sách tặng của đồng nghiệp và sách phục vụ cho công việc viết lách của họ.

Chắc chắn nhiều người sẽ thắc mắc, thời đại công nghệ số thì thiên hạ đọc trên mạng hoặc đọc Ebook, chứ cần gì phải bày biện tủ sách cho phức tạp. Đúng là độc giả có nhiều lựa chọn để tiếp cận sách, nhưng tủ sách vẫn có ý nghĩa rất quan trọng với nhà văn. Thứ nhất, đối với nhà văn, mỗi cuốn sách mang một kỷ niệm nhất định. Thứ hai, nhà văn có mối giao cảm đặc biệt với chữ, nên việc lật từng trang sách trên tay luôn có hứng khởi khác với dán mắt vào màn hình máy tính hoặc màn hình điện thoại. Vì vậy, hiện diện trên tủ sách nhà văn, cuốn sách càng cũ kỹ càng thú vị.

Nhà văn nào cũng có tủ sách, nhưng nhà văn có đọc sách không? Câu hỏi này hơi tế nhị và rất hóc búa. Trước hết cần sòng phẳng, nhà văn là đối tượng thích đọc sách và cần đọc sách nhất trong cộng đồng. Thế nhưng, tùy vào mỗi người mà mức độ đọc không giống nhau. Nhiều nhà văn thú thật với tôi rằng, họ chỉ đọc say mê vào giai đoạn thanh xuân, còn khi đã đứng tuổi thì ngại đọc. Không thể trách giận được, quỹ thời gian eo hẹp và sức khỏe không cho phép, thì dù muốn cũng khó mà đọc sách thường xuyên.

Tuy nhiên, với nhà văn chuyên nghiệp, thì có sự dịch chuyển trong thái độ đọc sách, thay vì đọc theo chiều rộng thì đọc theo chiều sâu. Nhà văn viết cho trẻ em thì chỉ chăm chú các loại sách về tâm lý trẻ em. Nhà văn viết tiểu thuyết thế sự thì chỉ chăm chú các loại sách về biến động xã hội. Còn các nhà thơ thì dường như chỉ đọc thơ mà ít quan tâm đến các thể loại khác. Lâu lâu có hiện tượng xuất bản nào đó gây xôn xao dư luận thì may ra các nhà văn mới có thể có chung đề tài để trao đổi và trò chuyện tương đối rộn ràng.

Khi nhà văn ít đọc sách thì nhiều hệ lụy xảy ra. Thứ nhất, hầu hết các hội thảo văn chương đều là những ý kiến chung chung dễ dãi và vô lối như “hết sức ám ảnh”, “cực kỳ ấn tượng”, “đột phá kinh ngạc”. Thứ hai, trang viết của chính nhà văn vẫn quẩn quanh khai thác sở trường đã sáo mòn khiến cấu trúc cũng sáo mòn, ngôn ngữ cũng sáo mòn. Nhà văn không đọc sách phê bình văn học, không đọc sách mỹ học, không đọc sách triết học thì tác phẩm của họ không thể mở rộng chiều kích tư duy sáng tạo. Buồn cười hơn, có những nhà thơ có thể đọc thuộc làu lên bổng xuống trầm hàng trăm bài thơ của mình, nhưng chẳng biết bất kỳ một câu thơ của đồng nghiệp cùng thế hệ.

Nếu nhà văn lười đọc sách thì không thể đòi hỏi công chúng đọc sách. Trung bình mỗi năm thị trường xuất bản nước ta tung ra trên dưới 400 triệu bản sách, nhưng sách giáo khoa và sách tham khảo đã chiếm hơn 300 triệu bản. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 100 triệu dân, mỗi người chỉ đọc tròm trèm 1 cuốn sách/ năm. Dù muốn dù không, vẫn phải thừa nhận sức đọc của người Việt rất thấp. Cần hiểu cho thật nghiêm túc, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam chính là tiếng còi báo hiệu mỗi người dân tích cực rời khỏi vạch xuất phát trên con đường xây dựng văn hóa đọc quốc gia. Con đường ấy còn rất dài, còn rất xa, mà mỗi người dân phải cầm lấy cuốn sách như một niềm tin bền vững. Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc của dân tộc Việt Nam, mà nhà văn cần giữ vai trò tiên phong.

Quá trình cơi nới tủ sách của nhà văn sẽ trực tiếp báo hiệu khả năng phát triển văn hóa đọc nước nhà. Bởi lẽ, tủ sách không chỉ là công cụ hành nghề viết sách của nhà văn, mà còn là phương tiện truyền cảm hứng đọc sách của nhà văn đến công chúng. Nhà văn nói về sách của mình, hoặc nhà văn nói về cuốn sách của người khác, chắc chắn sẽ mang đến nhiều gợi ý tích cực cho đám đông. Đáng tiếc, góc độ này gần như chưa được phát huy. Nhà văn có công chúng của họ. Cho nên nhà văn chia sẻ về trải nghiệm đọc sách cũng góp phần cổ vũ công chúng đọc sách. Tôi cho rằng, đã đến lúc phải khơi dậy câu chuyện đọc sách của nhà văn để góp phần cụ thể hóa mơ ước xây dựng văn hóa đọc.

Tin cùng chuyên mục