Không câu nệ to, nhỏ!
Nhìn vào những số liệu trên có thể thấy, trung bình 100 người dân Việt Nam mới có gần 1 doanh nghiệp. Con số ấy của Malaysia là 29,06, Thái Lan là 20,68, Singapore là 20,23, còn Indonesia là 4,31. Mở rộng ra, con số này của Hoa Kỳ là 10,24, Hàn Quốc là 8,21 (các số liệu do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố năm 2023). Nguyên nhân ở chỗ chúng ta có khái niệm “hộ kinh doanh”, còn các nước khác không có khái niệm này. Với họ, đã kinh doanh thì đều là doanh nghiệp, tất cả đều phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế, quyết toán thuế và nộp thuế đầy đủ.

Thông thường, người ta phân chia các doanh nghiệp ra làm các nhóm: doanh nghiệp lớn (trên 100 lao động), doanh nghiệp vừa (20 đến 99 lao động), doanh nghiệp nhỏ (5 đến 19 lao động) và doanh nghiệp siêu nhỏ (1-4 lao động). Đa số người Việt Nam chúng ta nghĩ rằng đã là doanh nghiệp là phải lớn, giám đốc là hoành tráng, thế nên không chấp nhận doanh nghiệp chỉ có 1-2 người. Vì vậy mới coi hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp và thế là hộ kinh doanh được quản lý theo cách riêng: thuế khoán chứ không nộp thuế theo các loại hình như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Nếu chuyển 80% hộ kinh doanh phi nông nghiệp sang thành công ty siêu nhỏ và nhỏ thì khi ấy Việt Nam sẽ có 4,8 triệu doanh nghiệp, mọi thông số về doanh nghiệp sẽ giống các nước khác. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến thời điểm Việt Nam bỏ khái niệm hộ kinh doanh và chuyển thành doanh nghiệp tư nhân như cách làm của thế giới. Chúng ta đã vượt Philippines, sắp ngang bằng Indonesia về GDP đầu người, lẽ nào cứ tụt hậu về những cái cơ bản nhất của nền kinh tế thị trường: định nghĩa về doanh nghiệp tư nhân. Khi ấy chẳng phải tranh luận doanh nghiệp tư nhân đóng góp bao nhiêu phần trăm GDP.
Cũng cần nói thêm, chúng ta cần có cách tiếp cận mới về nội dung và hệ thống các chỉ tiêu, mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm (cả trung ương và địa phương). Để GDP tăng trưởng 2 con số trong 10-15 năm tiếp theo, thì khu vực kinh tế tư nhân phải tăng trưởng 2 con số. Cơ quan thống kê cần tính toán và công bố các số liệu liên quan về đóng góp hay tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế để theo dõi, đánh giá và có các giải pháp chính sách tương ứng cho từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau.
Kích hoạt và khôi phục niềm tin kinh doanh
Đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ngày 24-2-2025, trong buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Mục tiêu phấn đấu cũng đã được Tổng Bí thư nêu rõ: giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh, chi phí không chính thức. Cải cách thể chế phải theo hướng bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết… Phấn đấu trong vòng 2-3 năm, môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong tốp 3 của ASEAN. Hơn 10 ngày sau đó, ngày 7-3, làm việc với Ban Chính sách, chiến lược trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư tái khẳng định: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế”.
Từ góc độ một người quan sát thị trường qua nhiều giai đoạn phát triển, tôi cho rằng, trước mắt, cần kích hoạt và khôi phục niềm tin của khu vực doanh nghiệp tư nhân bằng cách chỉ đạo, tạo áp lực cho các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện đầy đủ, nhất quán Nghị quyết 02 của Chính phủ (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia).
Chính phủ có thể lập tổ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 02 do Phó Thủ tướng Thường trực làm tổ trưởng, với nhóm giúp việc là một số cán bộ Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp. Từ đó, Chính phủ, Thủ tướng xác định các vướng mắc, khó khăn, rào cản đối với doanh nghiệp cần tháo gỡ trong từng tháng, từng quý; giao nhiệm vụ và yêu cầu từng bộ trưởng, chủ tịch UBND địa phương giải quyết những rào cản, khó khăn, vướng mắc đã được xác định nói trên; có nghị quyết, chỉ thị về khắc phục, tháo bỏ ngay các điểm nghẽn, rào cản pháp lý theo danh mục đã tập hợp và lựa chọn.
Bên cạnh đó, Chính phủ quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí như: quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài. Trong năm 2025, cần tập trung nguồn lực tháo bỏ các vướng mắc pháp lý đối với hàng ngàn dự án, khơi thông luồng vốn đầu tư và sớm đưa các dự án đầu tư đó thành năng lực sản xuất mới của nền kinh tế.
Cùng với đó là kiên quyết xóa bỏ tình trạng quy hoạch treo theo hướng những quy hoạch nào không nằm trong quy hoạch tích hợp phát triển (cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia) đã được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đều bị bãi bỏ.
Đối với đất công, tài sản gắn liền với đất không sử dụng, gồm cả đất do doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công quản lý, thì các tổ chức, đơn vị được giao quản lý xây dựng phương án sử dụng (gồm bán, khoán, cho thuê có thời hạn…) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đưa ngay vào sử dụng.
Trong trung và dài hạn, tiếp tục thực hiện cải cách hệ thống pháp luật - bộ phận cơ bản của thể chế - một cách thực chất, triệt để đúng với chủ trương của Đảng “cải cách thể chế là đột phá chiến lược” và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn” và thực hiện đột phá chiến lược thành “đột phá của đột phá”. Trong rất nhiều điều phải làm để thực hiện chỉ đạo này, tôi muốn nhấn mạnh một nguyên tắc quan trọng: luật pháp phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà luật không cấm; bảo vệ quyền tài sản hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Luật pháp bảo vệ người tuân thủ đúng; trừng trị người cố tình vi phạm; bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro; tuyệt đối không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự và hành chính. Khi và chỉ khi đó, chúng ta mới có được một cộng đồng doanh nghiệp khỏe mạnh, dẻo dai, không ngừng phát triển cả về lượng và chất.