“Đầu tàu” đang giảm tốc!
Theo những số liệu được cập nhật tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (từng một thời được ví là “những quả đấm thép”) cuối tháng 2 vừa qua, hiện cả nước có hơn 670 DNNN, trong đó khoảng 2/3 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, còn lại sở hữu trên 50%. Khu vực 100% vốn nhà nước đang nắm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường giai đoạn 2021-2023. Các DNNN đóng góp khoảng 28% tổng thu ngân sách, thu hút 7,3% lao động.
Năm 2024, 78 tập đoàn, tổng công ty hàng đầu có tổng doanh thu gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 38% so với 2023. Khối này đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu gần 1,1 triệu tỷ đồng, lãi trước thuế 109.339 tỷ đồng. Các DNNN vẫn giữ vai trò “đầu tàu” trong các ngành kinh tế chiến lược như dầu khí, viễn thông, ngân hàng và giao thông, với thị phần ở một số lĩnh vực chiếm 60%-70%.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế thị trường hiện đại, nhiều DNNN đã cải tổ, tái cơ cấu để áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn. Các chỉ số tài chính như ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) ở một số DNNN trọng điểm được cải thiện, thường nằm trong khoảng ROA 6%-8% và ROE 10%-12%, thể hiện năng lực chuyển hóa vốn thành lợi nhuận tương đối ổn định.
Tuy nhiên, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, đóng góp của các DNNN không đồng đều, hiện chỉ tập trung vào một số DN lớn, như PetroVietnam, Viettel… Nhiều DN khác “chưa có những số liệu đáng tự hào”, chưa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng của đất nước.
Ông Đặng Quyết Tiến, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Kiểm toán, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nhìn nhận, trong giai đoạn khó khăn, vai trò của DNNN là rất quan trọng, là nền tảng để đảm bảo sự ổn định cho các thành phần khác.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực xăng dầu, DNNN vẫn phải “gánh lỗ” để ổn định thị trường, chứ không thể tùy ý đóng cửa như DN tư nhân. Tương tự là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện…, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ví von: DNNN phải gánh nặng cả hai vai. Một nghịch lý đang tồn tại, là trong khi một số DN tư nhân thì muốn được hoạt động như DNNN, thì bản thân DNNN lại muốn… được như DN tư nhân để rộng đường quản trị kinh doanh.
Chính sách là đòn bẩy
Nhiệm vụ năm 2025 đối với các DNNN thực sự rất nặng nề, khi thể chế chính sách đang trong quá trình hoàn thiện (với luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN), cùng với việc tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng và Nhà nước (trong đó có việc chấm dứt hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). DNNN vừa phải tiếp tục tháo gỡ tồn tại, khó khăn, thúc đẩy tái cơ cấu, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng…
Tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN giai đoạn 2021-2024, các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp ban chỉ đạo, cơ quan đại diện chủ sở hữu đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt, triển khai đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN; khẩn trương có văn bản đôn đốc các cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt đề án cơ cấu lại DNNN trực thuộc theo thẩm quyền, quy định pháp luật.
Bộ chủ quản cũng sẽ hoàn thành bộ tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước trong giai đoạn 2026-2030; báo cáo Thủ tướng trong quý 2. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền thực hiện các giải pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu. Xuyên suốt hoạt động quản lý DNNN phải là tư duy triệt để phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra giám sát; không can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản trị DN; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc…
Về phần mình, theo các chuyên gia, DNNN cũng cần nỗ lực, không chỉ trong quản trị sản xuất - kinh doanh, mà ngay từ khâu đóng góp, xây dựng thể chế; đề xuất các cơ chế, chính sách mang tính “đòn bẩy, điểm tựa” để phát huy tối đa nguồn lực; nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, năng lực quản trị DN theo các thông lệ quốc tế, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
DNNN, những cánh chim đầu đàn với nguồn lực lớn được quốc gia tin tưởng, cũng cần xác định nắm giữ vị trí tiên phong, đi đầu, nêu gương trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26, COP28 - Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và giảm thải khí carbon.
Các giai đoạn phát triển của khối DNNN
Giai đoạn 1975-1986: Chú trọng kinh tế kế hoạch hóa
Nền kinh tế được tổ chức theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa trung ương. DNNN được thành lập và phát triển mạnh mẽ, đảm nhiệm hầu hết các hoạt động kinh tế chủ chốt, từ sản xuất đến dịch vụ, nhằm phục hồi và tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Giai đoạn 1986-1990: Khởi đầu của cải cách và đổi mới
Việt Nam mở cửa nền kinh tế thị trường và bắt đầu cải tổ cơ cấu kinh tế. DNNN bắt đầu đối mặt với yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động, minh bạch và cạnh tranh, dẫn đến quá trình tái cơ cấu nội bộ nhằm chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung sang mô hình kinh tế hỗn hợp.
Giai đoạn 1990-2000: Cải tổ và cổ phần hóa
DNNN được đưa vào quá trình cải tổ sâu rộng. Các biện pháp như cổ phần hóa, thương mại hóa và tái cơ cấu quản lý được triển khai để tạo ra sự cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các cơ quan quản lý của Chính phủ và Bộ KH-ĐT (sau hợp nhất, nay là Bộ Tài chính) đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm điều chỉnh cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Giai đoạn 2000 đến nay: Hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế
Từ đầu những năm 2000, DNNN tiếp tục được cải tổ theo hướng hiện đại hóa quản trị DN, tăng cường tính chuyên nghiệp và minh bạch. Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi DN thích ứng với môi trường cạnh tranh toàn cầu. Nhiều DN được chuyển đổi sang hình thức DN cổ phần, áp dụng quản trị hiện đại, đặc biệt là trong các ngành kinh tế chiến lược như năng lượng, giao thông, viễn thông và tài chính.