Những dấu mốc quan trọng
Trong gần 40 năm thu hút đầu tư nước ngoài, giai đoạn 1988-2000 được coi là giai đoạn khởi động. Năm 1988, giấy phép FDI đầu tiên được cấp tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ năm 1991, vốn FDI bắt đầu tăng nhanh, đánh dấu làn sóng đầu tư đầu tiên. Số dự án và vốn đăng ký liên tục lập kỷ lục mới. Cả giai đoạn 1991-2000, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 45,49 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 20,67 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn này, GDP của Việt Nam tăng bình quân 7,56%/năm, trong đó GDP năm 2000 cao gấp 2,07 lần năm 1990.

Giai đoạn 2001-2010, tổng vốn đăng ký đạt 168,88 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 58,48 tỷ USD, tương ứng gấp 3,32 và 2,85 lần so với giai đoạn 1991-2000. Khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp quan trọng vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Đặc biệt, năm 2006, Việt Nam có những dự án tỷ USD đầu tiên từ nhà sản xuất chip Intel (Mỹ) và tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc), đánh dấu sự bùng nổ của làn sóng thứ 2. Năm 2008, lượng vốn đăng ký tiếp tục tăng, lập kỷ lục gần 72 tỷ USD. Đây cũng là năm Samsung - nhà đầu tư FDI lớn nhất hiện nay, bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh.
Giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đăng ký đạt 270,69 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 152,3 tỷ USD, lần lượt gấp 1,6 lần và gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2001-2010. Cuối giai đoạn này, năm 2020, khu vực FDI chiếm tỷ trọng 20% cơ cấu GDP và chiếm khoảng 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần quan trọng hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực, như: khai thác dầu khí, điện tử, hóa chất, ô tô, xe máy, công nghệ thông tin, viễn thông, thép, xi măng, chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may… Tuy nhiên, trong làn sóng thứ 3 này, vốn FDI không có bước nhảy vọt như những năm 2005-2008 mà gia tăng đều đặn. Phương thức mua bán và sáp nhập (M&A) bắt đầu manh nha từ năm 2014 và dần trở thành xu hướng đầu tư mới.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra đã tạo nên một “khoảng sụt” bất khả kháng đối với kinh tế toàn cầu, nhưng đáng mừng là kinh tế Việt Nam nói chung và dòng vốn FDI vào Việt Nam nói riêng đã không rơi vào suy thoái. Giai đoạn 2021-2023, tổng vốn FDI đăng ký đạt 94,98 tỷ USD, tổng vốn thực hiện đạt 65,32 tỷ USD. Khu vực FDI đóng góp 16,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2023. Thậm chí, một số tập đoàn lớn như Apple, Dell, Foxconn, Pegatron, Nike… đã thực hiện dịch chuyển chuỗi cung ứng - sản xuất sang Việt Nam. Nhiều tập đoàn điện tử, bán dẫn lớn như Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor, Nvidia... tiếp tục mở rộng hoạt động hợp tác - đầu tư. Song theo một số chuyên gia, làn sóng đầu tư thứ 4 vẫn chưa đến.
Kỳ vọng vào công nghệ mới
Trong gần 4 thập niên qua, khu vực FDI đã đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 1995, thị phần đóng góp cho xuất khẩu Việt Nam của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lần lượt là 73% và 27%. Tỷ lệ này hiện nay đã đảo ngược, với thị phần của khối FDI chiếm hơn 70%. Nếu như những ngày đầu, phần lớn nguồn vốn được đầu tư vào lĩnh vực gia công dệt may và giày dép có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động, thì tính lũy kế đến hết năm 2024, tỷ trọng vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo đã lên đến gần 50%.
Không dừng lại ở đó, Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị (về chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030) đã đặt ra nhiều mục tiêu xa hơn. Trong đó có việc nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư từ Hoa Kỳ, tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng, có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam…
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu này, đồng nghĩa với đón được “làn sóng” thứ 4, yêu cầu tiên quyết là đột phá thể chế. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (về định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo) chính là một đột phá như thế. Nghị quyết đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính và cải cách hành chính, giúp rút ngắn thủ tục đầu tư và cấp phép. Điều này làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các tập đoàn FDI hoạt động trong các lĩnh vực như bán dẫn, công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp và viện nghiên cứu tăng cường đầu tư vào nghiên cứu - phát triển, nghị quyết sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng công nghệ sản xuất và ứng dụng công nghệ mới. Nghị quyết cũng khuyến khích việc thiết lập các liên kết, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giúp kết nối Việt Nam với các nguồn lực, công nghệ và thị trường toàn cầu; đặt ra yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá định kỳ hiệu quả sử dụng vốn trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Đương nhiên, chỉ một bản nghị quyết là không đủ, khi còn nhiều việc phải làm. TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT, nay là Bộ Tài chính), lưu ý về tầm quan trọng của yêu cầu chuyển giao công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa khối FDI với doanh nghiệp trong nước. Nếu công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển đủ nhanh, việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cao và đưa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp FDI chưa được quan tâm đúng mức thì cho dù nhà đầu tư nước ngoài có thiện chí cũng chưa biết chuyển giao công nghệ như thế nào.
Dù sao, thị trường đã ghi nhận những tín hiệu khả quan. Trong 2 tháng đầu năm 2025, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 6,9 tỷ USD, còn vốn giải ngân là 2,95 tỷ USD, tương ứng tăng 35,5% và 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo cập nhật mới nhất, Savills Việt Nam (công ty cung cấp dịch vụ tư vấn và quản lý bất động sản có trụ sở chính tại Anh) nhấn mạnh, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Minh chứng cho điều này là sự có mặt của các tập đoàn: Intel, Amkor, Nvidia, Infineon, Marvell, Hana Micron - những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. Trong cuộc gặp đầu năm mới Ất Tỵ 2025 với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, lãnh đạo Goertek, tập đoàn đã đầu tư tại Bắc Ninh hơn 1,3 tỷ USD để xây dựng 4 nhà máy chuyên sản xuất các thiết bị điện tử và thiết bị bay không người lái, nhấn mạnh: Năm 2025, Goertek sẽ bổ sung đầu tư để tăng gấp đôi sản lượng thiết bị bay không người lái, từ 30.000 sản phẩm hiện tại lên 60.000 sản phẩm/năm…
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường (VinaCapital), nhận định, không chỉ vốn đầu tư trực tiếp, mà dòng vốn FDI vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 cũng sẽ quay trở lại mạnh mẽ. Chuyên gia này nhìn nhận, kết quả thu hút vốn FDI tại Việt Nam trong năm 2024 rất tích cực và triển vọng cho năm 2025 vẫn rất khả quan, với mức giải ngân tăng 7%-10%.
Đại diện VinaCapital khuyến nghị Việt Nam tập trung vào việc nâng cao chuỗi giá trị sản xuất và khai thác các cơ hội mạnh mẽ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn. Việc củng cố hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, nhất là trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) là rất quan trọng để hiện thực hóa tiềm năng của Việt Nam trong các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính là bước quan trọng để kích thích nền kinh tế nói chung, FDI nói riêng.