Từ quốc gia nghèo đến nền kinh tế phát triển nhanh nhất - Bài 1: Khó khăn, thách thức và đổi mới

Sau năm 1975, nước ta đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng: nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau nhiều năm chiến tranh, cơ sở hạ tầng lạc hậu, sản xuất đình trệ và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn... Giai đoạn 1976-1980, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt trung bình 1,4%/năm, thậm chí năm 1980 tăng trưởng âm 1%...

LTS: Sau 50 năm kể từ Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc. Nếu như năm 1975, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 232 đồng (tương đương khoảng 80USD thời điểm đó), thì đến năm 2024 đã là 4.700USD. GDP từ 8 tỷ USD năm 1986 lên 476,3 tỷ USD năm 2024, tăng gấp khoảng 59,5 lần.

Đó là một vài chỉ số khái quát chặng đường phát triển kinh tế làm thay đổi bộ mặt đất nước, là hành trang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình thịnh vượng của dân tộc.

#1c.jpg
Dây chuyền sản xuất xúc xích tại Công ty Vissan. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mạnh dạn “xé rào”

Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung với sự kiểm soát chặt chẽ quá mức đã bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa, lạm phát cao và sản xuất kém hiệu quả. Đặc biệt, chính sách “ngăn sông cấm chợ” đã gây ra nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền.

Những bất cập tích tụ đến đỉnh điểm là năm 1986, lạm phát đạt đỉnh ở ngưỡng 774,7%, trong khi đó quy mô nền kinh tế chỉ có 26,88 tỷ USD. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn. Đây chính là thời điểm mà đổi mới trở thành yêu cầu bức thiết, không thể không tiến hành.

Thực tế, tiến trình đổi mới đã đưa nền kinh tế Việt Nam sang một trang tươi sáng hơn. Năm 1990, công cuộc đổi mới với chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã đạt được những thành tựu bước đầu: Tăng trưởng GDP đạt bình quân 4,4%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 28%/năm…; dần dần khắc phục được những yếu kém và có những bước phát triển.

Đây là giai đoạn chuyển đổi cơ bản từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, bước đầu giải phóng được lực lượng sản xuất, tạo ra động lực phát triển mới. Trong bước chuyển biến về chất này có vai trò quan trọng của TPHCM - “đầu tàu” tiên phong vượt qua cách nghĩ, cách làm lỗi thời, mạnh dạn “xé rào”, thử nghiệm cơ chế mới. Điển hình là những năm ngay sau ngày thống nhất đất nước, dù ở cạnh vựa lúa ĐBSCL nhưng do chính sách “ngăn sông cấm chợ”, người dân TPHCM phải ăn cơm trộn bo bo.

Với quyết tâm giải bài toán nan giải này, Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể cán bộ lãnh đạo năng động, nhanh nhạy, lập tổ công tác về miền Tây mua gạo cứu đói. Tổ công tác hoạt động liên tục từ năm 1979 đến 1982, khi đời sống người dân ổn định mới dừng lại...

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhập khẩu đầu vào, khiến toàn bộ nền sản xuất suy giảm, kéo theo khủng hoảng về hàng hóa, lao động, TPHCM đưa ra sáng kiến sử dụng các thương nhân, chủ yếu là người Hoa, đứng ra thu gom mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với Hồng Công, Singapore. Công thức “hàng đổi hàng” được vận dụng.

Giá cả tính ra USD và trao đổi bằng hiện vật. Việt Nam đổi mực khô, tôm khô, đậu… lấy sợi thuốc lá, sợi dệt, xăng dầu. Các nhà máy vốn hoạt động rất tốt đã được “nuôi dưỡng”.

TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, kể lại: Tập thể lãnh đạo thành phố đã mạnh dạn cho phép các nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm “kế hoạch 3 phần”. Phần 1 là doanh nghiệp thực hiện đủ phần do Nhà nước giao vật tư và bàn giao sản phẩm. Phần 2, tận dụng công suất và lao động của nhà máy còn dư, triển khai mua thêm nguyên liệu ngoài thị trường để sản xuất và bán sản phẩm theo giá thị trường. Phần 3 là tổ chức cho người lao động tự sản xuất thêm để nâng phúc lợi ngoài đồng lương. Đặc biệt, doanh nghiệp được “bật đèn xanh” tìm nguồn tự xuất khẩu, bán sản phẩm để đổi lấy ngoại tệ nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Kết quả, tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của TPHCM năm 1981 đạt 22 triệu USD, tăng tới 44 lần so với năm 1980 (500.000 USD). “Cách làm này sau đó được Trung ương cho phép, thông qua một số nghị định, nghị quyết, từ đó, nhân rộng ra nhiều nơi khác”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

&5b.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt chung vui cùng công nhân Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, năm 1980. Ảnh: Tư liệu

Theo TS Trần Du Lịch, bước vào thời kỳ đổi mới, TPHCM đề xuất nhiều mô hình sáng tạo mang tính thí điểm và được Trung ương cho phép. Có thể kể đến mô hình thí điểm “khu chế xuất” giai đoạn 1991-1992, thành lập quỹ đầu tư địa phương vào năm 1996; mô hình đổi đất lấy hạ tầng ở Phú Mỹ Hưng; mô hình chuyển nhượng quyền thu phí cho công ty cổ phần thu phí đường Hùng Vương, Điện Biên Phủ; hỗ trợ lãi suất để các cơ sở y tế, giáo dục tự vay, tự trả bằng tín dụng của ngân hàng trong giai đoạn 1999-2002…

Những chính sách táo bạo này của thành phố từ sau năm 1986 đến những năm 2000-2010 chính là cơ sở thực tiễn quan trọng đóng góp vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Những thay đổi tích cực

Công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986, song phải đến giai đoạn 1991-1995, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác mới bắt đầu thể hiện rõ hiệu quả tích cực.

Đất nước dần ra khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái. Nền kinh tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng: tốc độ tăng trưởng tương đối cao, liên tục và toàn diện; hầu hết chỉ tiêu chủ yếu đều vượt mức: GDP bình quân tăng 8,2%/năm; các lĩnh vực kinh tế nhìn chung đều đạt nhịp độ tăng trưởng tương đối khá.

Trong giai đoạn 1996-2000, Đảng ta có một số kết luận, chủ trương mới về phân phối, về mối quan hệ giữa kế hoạch hóa và thị trường, giữa thị trường trong nước và quốc tế, giữa quyền quản lý của Nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, và lấy đó làm cơ sở tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế với mục tiêu xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, tiếp tục tạo lập đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhờ đó, dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. GDP bình quân của giai đoạn 1996-2000 đạt 7%/năm.

Giai đoạn 2001-2005, sự nghiệp đổi mới đi vào chiều sâu và đã đạt được những kết quả nhất định: GDP tăng bình quân 7,5%/năm, riêng năm 2005 đạt 8,4%/năm. Giai đoạn 2006-2010, Việt Nam từ nhóm nước thu nhập thấp đã trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp) với mức tăng trưởng 7,26%/năm.

Giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng bình quân gần 6%/năm, quy mô nền kinh tế là 271,2 tỷ USD (theo đánh giá lại của Tổng cục Thống kê, năm 2020 đạt 343,6 tỷ USD). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 2.779 USD (theo đánh giá lại của Tổng cục Thống kê là 3.521 USD).

&5c.jpg
Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TPHCM) hiện là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Năm 2023, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới.

Năm 2024, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD với mức tăng trưởng GDP khoảng 7,09%. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đưa ra những đánh giá tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam, nhất là từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025.

IMF dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt 506 tỷ USD vào năm 2025, xếp hạng 33 toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục