Làm mới chính mình
Chị Trần Thị Quỳnh (32 tuổi) có 14 năm ở thành phố, từ lúc bước chân vào giảng đường đại học đến giờ, trải qua công việc viết content (nội dung quảng cáo) nhiều năm, Quỳnh cảm thấy chán liền bàn với chồng xin nghỉ việc về Kon Tum (quê chồng) khởi nghiệp. Quỳnh chia sẻ: “Chồng tôi làm thiết kế mỹ thuật cho công ty tư nhân, công việc cả hai đều không bị ràng buộc thời gian nhưng làm mãi cũng chán. Chúng tôi muốn thay đổi cuộc sống của mình và cũng muốn thử khởi nghiệp xem sao. Thế là về quê thôi”. Số tiền hai vợ chồng tích cóp không nhiều, chồng Quỳnh bàn với gia đình tận dụng khuôn viên đất nhà xây trang trại, trồng mấy loại cây ăn trái, vườn rau, thiết kế dân dã, lạ lạ để làm homestay. “Chúng tôi hầu như bỏ công sức làm từ cái nhỏ nhất trên mảnh đất nhà vốn đã rậm rạp cây cối, có con suối nhỏ bắc ngang. Tiền để dành không dư dả nên hai vợ chồng hầu như đầu tắt mặt tối với ngôi nhà khởi nghiệp”, Quỳnh nói. Dịch Covid-19 tạm lắng, mấy hôm nay vợ chồng Quỳnh đang ở công đoạn cuối cùng hoàn thiện homestay nhỏ của mình. Quỳnh chủ động liên hệ với các bạn làm tour nhỏ ở địa phương, để có thể nhận những nhóm khách nhỏ.
Trên trang Facebook của mình, Dương Thanh Mai (30 tuổi) chia sẻ về cuộc sống mới của cô ở quê hương Đồng Tháp. Hồi còn ở TPHCM, Mai có một shop quần áo chuyên bán sản phẩm do cô thiết kế và nhận trang trí nội thất cho quán cà phê. Người khác nhìn vào, cuộc sống của Mai tương đối thong thả và an yên, nhưng cô muốn một cuộc sống êm đềm hơn thế. Vậy là Mai quyết định bỏ lại nghề đã gầy dựng 7 năm để về quê “vẽ tiếp cuộc đời” bằng những khóm hoa.
Khác với Mai, ngày vợ chồng chị Đỗ Thanh Huyền (29 tuổi, ngụ quận 4) nghỉ làm văn phòng, rời TPHCM khiến bạn bè và người quen ngỡ ngàng. Huyền là con gái TPHCM chính hiệu. Mấy mươi năm quen với cuộc sống sôi động, nhộn nhịp, vậy mà đùng một cái, Huyền tuyên bố vợ chồng cô sẽ chuyển về quê nội ở một vùng ngoại ô tỉnh Hải Dương sinh sống và khởi nghiệp bằng nghề trồng sen làm trà. Mất gần một năm đắn đo và gần 2 tháng sắp xếp mọi thứ ở thành phố, vợ chồng Huyền quày quã ôm cậu con trai hơn 1 tuổi về với ruộng đồng thật. “Hàng ngày, tôi hạnh phúc khi ngắm nhìn con trai mình được tắm mưa, được thoát khỏi sự gò bó trong bốn bức tường và những ô nhiễm, ồn ào ở thành phố. Dẫu cho khó khăn đến mấy thì tôi tin sự lựa chọn cho con một tuổi thơ đúng nghĩa là điều xứng đáng”, Huyền chia sẻ trên trang cá nhân.
Đường dài đi không dễ
Thi thoảng trên các trang mạng xã hội, vô tình lại có những dòng trạng thái kiểu: “Tôi quyết định bỏ lại phố thị phồn hoa, về với quê nhà, nơi không còn khói bụi, kẹt xe hay những cô đơn giữa bốn bức tường của căn phòng trọ chật hẹp”; “Tôi về với ba mẹ, với cánh đồng ngút ngàn. Sáng được hít bầu không khí trong lành, nghe tiếng gà gáy và nhìn ánh bình minh dần ló dạng trên ngọn dừa ngay mái hiên nhà…”, khiến bao trái tim trẻ xốn xang.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được niềm vui với vườn tược, ruộng đồng và cũng không ai biết trước mình sẽ trụ được bao lâu với hương đồng gió nội. Không ít người vì lý do nào đó để rồi lại bỏ quê ra phố. Như Lê Văn Hà (26 tuổi), từng bỏ ngang công việc của một nhân viên ngân hàng để về Chợ Gạo, Tiền Giang, về quê như sự trốn chạy khỏi cái ngột ngạt của thành phố, của áp lực công việc. Quyết định chóng vánh trong vòng một tháng, Hà không trụ vững ở quê nổi nửa năm. Hà thừa nhận, bản thân chưa chuẩn bị cho một hành trình tưởng cũ nhưng lại rất mới ở quê nhà sau 8 năm sống nơi đất khách. Những công việc nhà nông lặp đi lặp lại mỗi ngày không đủ sức níu chân Hà, cậu âm thầm trở về phố và lại bắt đầu hành trình tìm việc.“Chỉ khi có gia đình, rồi chuyện học hành của con cái mới biết mình hợp phố hay hợp quê, để biết mình về được bao lâu hay về cả cuộc đời”, anh Nguyễn Hải Thành (ngụ quận 12, TPHCM) đúc kết từ kinh nghiệm của bản thân.
Anh Thành tâm sự, ngày trước, vợ chồng anh cũng bỏ phố, đem theo tấm bằng đại học và sự chán chường của gần 10 năm nơi phố thị, lặng lẽ về Kon Tum. Nơi vợ chồng anh chọn là một ngọn đồi với kế hoạch cải tổ những trụ tiêu làm kế sinh nhai. Anh Thành thừa nhận: “Hành trình về quê thì gần nhưng để sống trọn vẹn với hành trình ấy là chặng đường dài không dễ đi”. Khi con gái đầu lòng vào lớp 1, vợ chồng anh mệt nhoài khi quãng đường đi học của con tới 25km mà cũng chỉ là một điểm trường nhỏ, thiếu thốn đủ thứ. Nghĩ đến tương lai, một lần nữa, gia đình anh lại bỏ rừng về với phố.
Nhiều người trẻ cũng xác định chỉ bỏ phố về quê một thời gian, nên bên cạnh hành trang rời phố về quê, nhiều người vẫn sẵn sàng cho hướng dịch chuyển theo chiều ngược lại. Bởi không phải sự dịch chuyển nào cũng mang lại những đổi thay thần kỳ.