Từ nhiều năm qua, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và nhiều ban ngành đã phối hợp tổ chức các hoạt động, chương trình trong cả nước mà trọng tâm là xây dựng văn hóa giao thông, tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành Luật an toàn giao thông. Trong các chương trình hành động này, những bạn trẻ độ tuổi thanh niên, là sinh viên học sinh rất được quan tâm…
Cần bắt đầu tuân thủ Luật an toàn giao thông từ những chuyện tưởng như rất nhỏ: biết nhường nhịn người lớn tuổi, giúp người khuyết tật, phụ nữ trên xe buýt, dừng đỗ đúng nơi quy định, không lấn tuyến, vượt đèn đỏ, phóng nhanh lạng lách, biết kiềm chế và hành xử có văn hóa khi xảy ra va quẹt hay sự cố, tai nạn khi tham gia giao thông. Mặt khác, văn hóa giao thông còn nằm ở chỗ mỗi người cần phải lên án hành vi xấu, thiếu văn hóa và phản đối những hành vi vi phạm giao thông. Đơn cử như có những trường hợp cố ý gây thương tích, gọi người thanh toán nhau giữa đường, thậm chí có nhiều vụ án mạng xảy ra mà bắt nguồn chỉ từ một cái va quẹt nhỏ trong tham gia giao thông. Nếu mỗi người biết kiềm chế, ứng xử có văn hóa, biết nhận lỗi của mình và xin lỗi một tiếng thì có lẽ những chuyện đau lòng như thế đã không diễn ra.
Mới đây, qua cuộc thi viết về “Văn hóa giao thông - ứng xử của bạn” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức đã có hàng trăm sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, TPHCM hưởng ứng. Không chỉ tìm hiểu luật qua các tiểu phẩm, các bạn còn phân tích, đánh giá và nêu ra những thái độ, hành động hợp lý trong phần xử lý các tình huống giao thông. Thiết nghĩ, chương trình tuyên truyền lồng ghép luật giao thông và xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên, học sinh sinh viên cần sinh động, thiết thực và gần gũi thực tế đang diễn ra hàng ngày.
Xây dựng văn hóa giao thông là cả một quá trình thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người khi tham gia giao thông. Thế nên, mỗi người chúng ta hãy tự ý thức xây dựng văn hóa giao thông cho mình, bắt đầu từ những thói quen rất nhỏ…
Minh An