Hai sự kiện bóng đá lớn nhất châu lục dành cho các đội tuyển quốc gia là Euro và Copa America diễn ra cùng lúc trong mùa hè này sẽ khiến giới mộ điệu Việt Nam phải “marathon” xem bóng đá từ tối hôm nay đến trưa hôm sau khi có đến 40 đội tuyển quốc gia hàng đầu thế giới tranh tài tại châu Âu và châu Mỹ. Với khán giả Việt Nam, Euro sẽ được quan tâm nhiều hơn, bởi đã gắn bó với nhiều thế hệ từ lần đầu được phát trực tiếp qua vệ tinh từ kỳ Euro 1992, đi kèm hồi ức về những đêm trắng bóng đá trước màn hình tivi đen trắng. Bây giờ, sự thân quen ấy còn đến từ những ngôi sao bóng đá vốn đã thân thuộc hàng tuần ở các giải vô địch châu Âu phát sóng đầy đủ tại Việt Nam.
Trong khi những sự kiện bóng đá lớn như thế này đã trở thành món ăn quá đỗi quen thuộc với người yêu bóng đá, thì câu hỏi vẫn thường xuyên được đặt ra, là bóng đá Việt Nam liệu có học hỏi và tiếp nhận được gì từ các sự kiện bóng đá tập trung như Euro hay không? Bởi dù có khoảng cách về trình độ tổ chức, cũng như chất lượng của nền bóng đá, thì Euro vẫn là một chuẩn mực để bóng đá Việt Nam tìm kiếm các lợi ích thiết thực ngoài việc bỏ tiền mua bản quyền phục vụ dân ghiền xem bóng đá.
Thực tế là cho đến nay, bóng đá Việt Nam vẫn chưa từng tổ chức một giải bóng đá trọn vẹn, dài ngày ở đẳng cấp cao kể từ sau Tiger Cup 1998 vốn có quy mô rất nhỏ. Trong khi đó, một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore đã tổ chức Asian Cup; còn Indonesia, Malaysia cũng đã đăng cai U17 World Cup. Chính nhờ các lần đăng cai này mà những quốc gia trên thường được lựa chọn để tổ chức các trận giao hữu quốc tế cho những câu lạc bộ nổi tiếng, đội tuyển quốc gia hàng đầu khi họ đến châu Á du đấu thương mại.
Dù chỉ là một môn thể thao đơn lẻ, nhưng bóng đá được coi là môn thể thao vua và những sự kiện bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia lại thường thu hút sự quan tâm lớn hơn nhiều so với các đại hội thể thao đa môn, chưa kể lượng cổ động viên theo chân các đội tuyển vô cùng đông đảo. Những giải đấu như vậy là nơi trình diễn của công nghệ tổ chức, là các giá trị kinh tế to lớn ở cả góc độ tiêu dùng, du lịch hay hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, chưa kể tác động của sự kiện đối với sự phát triển của bóng đá quốc nội và đặc biệt đó là các bài học về tinh thần màu cờ sắc áo, điều mà ở những giải đấu cấp câu lạc bộ không thể có.
Vì tầm vóc đó mà các giải bóng đá như Euro hay World Cup không phải quốc gia nào cũng đủ khả năng đăng cai. Ngay ở châu Âu, một số kỳ Euro phải có sự hợp tác giữa 2 quốc gia mới đáp ứng được các yêu cầu. Những sự kiện như Euro chính là điểm tựa, là cột mốc để những Liên đoàn Bóng đá châu Âu định hình chiến lược phát triển với tầm nhìn 10-15 năm cho mình. Còn với những quốc gia đăng cai, thường thì lợi ích về kinh tế không quan trọng bằng sự kết nối xã hội, giá trị hình ảnh đất nước.
Với bóng đá Việt Nam, con đường để trở thành một cường quốc bóng đá châu Á vẫn còn rất dài, nhiều chông gai, nhưng việc học hỏi, được truyền cảm hứng từ những sự kiện lớn như Euro có thể giúp chúng ta đặt ra các tham vọng gần gũi, thiết thực hơn. Ví dụ như áp dụng một phần công nghệ tổ chức cho các giải đấu nội địa trong các khâu bán vé, tiếp thị hay phục vụ cổ động viên. Hoặc tiến đến mục tiêu cao hơn là đăng cai Asian Cup trong tương lai gần, qua đó thiết lập được hệ thống cơ sở vật chất đủ chất lượng để thường xuyên tổ chức các trận đấu, giải đấu quốc tế ở nhiều cấp độ khác nhau. Đó cũng là cách để chúng ta có những “Mùa hè bóng đá” của riêng mình, tăng vị thế quốc gia và trở thành điểm đến tin cậy của bóng đá châu lục, thế giới.