Từ năm 2026 cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, kháng sinh đã bị cấm ở Việt Nam với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi và từ năm 2026 trở đi, chỉ cho phép dùng trong một vài trường hợp được giám sát…

Sáng 5-12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức “Hội nghị chuyên đề về phối hợp đa ngành trong phòng chống kháng thuốc - từ chính sách đến hành động” với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming, Vương quốc Anh thông qua Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI360).

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: việc lạm dụng kháng sinh có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và động vật, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại...

img-4218-1208.jpeg

Hiện, Bộ NN-PTNT đã không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi từ ngày 1-1-2018 và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi để phòng bệnh cho vật nuôi và sẽ bị cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ ngày 1-1-2026 theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ năm 2026 trở đi, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị bệnh động vật khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và việc dùng phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y.

Tại hội nghị, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc, cho rằng, đã đến lúc tăng cường các chương trình giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng.

“Kháng thuốc đang là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển trên toàn cầu, đòi hỏi hành động quyết liệt của các cấp, các ngành. Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu về sức khỏe của nhân loại. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc là nguyên nhân chính dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và kháng thuốc. Ngày nay chúng ta không hành động, ngày mai sẽ rất khó khăn khi nhìn người bệnh vật vã, đau đớn mà không có thuốc chữa”, ông Lương Ngọc Khuê phát biểu.

Tin cùng chuyên mục