Từ năm 2025 sẽ công khai cán bộ “né” tiếp dân

Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 26-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét báo cáo và cho ý kiến về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Qua thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, điểm mới nổi bật là Chính phủ và các cơ quan đã thực hiện thời gian tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính từ ngày 1-10 của năm trước đến hết ngày 30-9 của năm báo cáo theo yêu cầu của UBTVQH để trình Quốc hội.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đầy đủ, mới phản ánh được kết quả thực hiện của 45/63 địa phương, dẫn đến khó đánh giá sát được tình hình công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024.

HOÀNG THANH TÙNG 26.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp

Để tăng cường kỷ luật công vụ, đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm công tác báo cáo để không lặp lại trong năm tới và các năm tiếp theo.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung, cập nhật thông tin, rà soát các số liệu. Trên cơ sở đó đánh giá sâu sắc, so sánh với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, nhằm thể hiện đầy đủ, khách quan, toàn diện kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024.

QC 26.jpg
Quang cảnh phiên họp

Cơ quan thẩm tra thẳng thắn nêu, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân; tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều.

Trong đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền tiếp công dân chiếm 41% số buổi theo quy định.

Việc trực tiếp tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện có tiến bộ hơn so với năm 2023 (cấp tỉnh là 82%, so với năm 2023 là 79%; cấp huyện là 84%, so với năm 2023 là 79%), nhưng nếu tính chung số ngày tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước (bao gồm cả số buổi ủy quyền tiếp công dân) thì ở cấp chủ tịch UBND cấp tỉnh và cấp huyện giảm (cấp tỉnh là 97%, so với năm 2023 là 112%; cấp huyện là 95%, so với năm 2023 là 103%).

Bên cạnh đó, tính đến số liệu báo cáo mới chỉ tổng hợp từ 45/63 địa phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, chưa có đủ cơ sở so sánh với kết quả tiếp công dân năm 2023 để chứng minh thuyết phục, đầy đủ cho nhận định, đánh giá nói trên

- ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Hồi đáp ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các thành viên cho ý kiến về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, từ năm 2025 sẽ chính thức công khai những cán bộ “né” tiếp dân, được mời mà không đến.

PPHONG.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo tại phiên họp

Thừa nhận số liệu trong báo cáo là chưa đầy đủ, ông Đoàn Hồng Phong lý giải, đây là năm đầu tiên thay đổi thời điểm tổng hợp báo cáo, cũng là năm đầu tiên tính chung cả phần giải quyết khiếu nại tố cáo hành chính của cả Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định mới. Từ năm 2025, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo, làm rõ trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp, chấm dứt tình trạng người có đủ thẩm quyền được mời đến tiếp dân lại không trực tiếp đến, chỉ cử cấp dưới đến nghe rồi về báo cáo…

Trước đó, góp ý về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể khiếu nại đúng, tố cáo đúng (khiếu nại đúng 18%, tố cáo đúng 37%), cho thấy việc xử lý của các cấp ngành, cơ quan có trách nhiệm chưa thực sự tốt.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị chấn chỉnh ngay từ khâu tiếp công dân

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị chấn chỉnh ngay từ khâu tiếp công dân

Đơn do các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến thường chỉ được trả lời chung chung là “chúng tôi đã chuyển”, bà Nga phản ánh. Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các cơ quan phải trả lời cụ thể hơn; ứng dụng tối đa các phần mềm có chức năng phân loại, “lọc” đơn trùng, thể hiện rõ tiến độ giải quyết. Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị chấn chỉnh ngay từ khâu tiếp công dân, chỉ rõ các bộ, ngành địa phương làm tốt và chưa tốt.

Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận, tiếp công dân có tác dụng phát hiện từ sớm từ xa, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực. “Đề nghị thực hiện việc công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử để người dân tiện theo dõi, đăng ký”, bà Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Một băn khoăn khác của Trưởng Ban Công tác đại biểu là việc bố trí nguồn lực để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân sau khi giải quyết kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thì nhấn mạnh: “Sức mạnh của giám sát là ở chỗ công khai minh bạch, từ đó có hiệu quả khuyến cáo, răn đe, phòng ngừa vi phạm”. Ông đề nghị Thanh tra Chính phủ công khai và kiểm điểm trách nhiệm những lãnh đạo địa phương được mời đến tiếp dân mà không đến, chỉ cử những người không đủ thẩm quyền giải quyết đến dự rồi về báo cáo. “Các đồng chí còn ngại ngùng, sợ va chạm thì không giải quyết dứt điểm được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, từ năm 2025 sẽ chính thức thực hiện việc này.

Từ thực tiễn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, một số vấn đề đang nổi lên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nếu xử lý không khéo có thể trở thành điểm nóng, liên quan đến chi phí khoanh nuôi, bảo vệ phát triển rừng; quy đổi và thanh toán tín chỉ carbon, phát triển kinh tế dưới tán rừng…

Tin cùng chuyên mục