Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), sau khi Việt Nam ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA (với châu Âu), UKVFTA (với Vương quốc Anh), Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực thi và căn cứ trên kế hoạch chung này, các bộ, ngành, các địa phương cũng xây dựng kế hoạch thực thi của mình.
“Theo đánh giá của chúng tôi, đến nay, việc ban hành kế hoạch thực hiện của các địa phương ngày càng tích cực hơn, nhiều tỉnh thành đã đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng, từng lĩnh vực”, ông Khanh nói. Nhờ vậy, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể.
“Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai con số cùng với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và có những tỉnh đã xác định được những mặt hàng chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu với kim ngạch tăng trưởng được ghi nhận”, ông Khanh nói thêm.
Chẳng hạn theo chia sẻ của bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, sau thời gian bị ảnh hưởng dịch, đến năm 2022, Hà Nội đã có khoảng 2.600 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu sang các nước có tham gia các hiệp định và có khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước có ký kết các FTA mà Việt Nam là thành viên.
“Kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang các nước ký kết FTA như CPTPP, EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 ước đạt được khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội”, bà Oanh thông tin.
Mặc dù vậy, so với tiềm năng và dư địa vẫn còn nhiều như hiện nay, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, chúng ta vẫn chưa thực sự khai thác, tận dụng hết các cơ hội tốt. Dẫn chứng CPTPP, ông Khanh cho biết, trong số 63 tỉnh và thành phố, hiện mới chỉ có 38 địa phương ghi nhận có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP.
Đề cập sâu hơn tới khó khăn này, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong năm 2021, kết quả điều tra của VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và hỗ trợ hội nhập đối với doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành cho thấy, nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các FTA sâu rộng.
“Bởi vì đây là câu chuyện tiếp cận thị trường và đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì tiếp cận thị trường lâu nay vẫn luôn là mong mỏi lớn, nhưng giữa nhu cầu của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các cơ quan nhà nước, của địa phương vẫn còn khoảng cách khá lớn”, ông Thạch nói.
Cũng theo ông Thạch, doanh nghiệp đang rất mong muốn cơ quan nhà nước triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, trước tiên là câu chuyện tiếp cận thông tin về những lợi ích mà các FTA mang lại cho doanh nghiệp, cần phải đi vào những vấn đề chuyên sâu, cụ thể hơn.
“Thứ nhất là những lợi ích về mặt thuế quan với từng mặt hàng cụ thể. Thứ hai là cách tiếp cận thị trường”, đại diện VCCI nêu ví dụ.
Từ cấp độ địa phương, ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, để chủ động thúc đẩy hội nhập và thực thi các FTA cho doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện CPTPP và các FTA khác. Nhờ truyền thông, các doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như cách khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA.
Tuy nhiên hiệu quả chưa như mong đợi khi các doanh nghiệp gặp những thách thức như cuộc xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài, chi phí năng lượng, nhiên liệu tăng, tình hình lạm phát ở các nước cũng như chi phí logistics tăng, các quy định khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm cũng như các quy định về môi trường, lao động, thẻ vàng tại các nước.
Để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp khai thác tốt hơn các FTA, ông Phạm Ngọc Thạch đề nghị trước tiên cần tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính ngay ở trong nước cho doanh nghiệp.
“Phải rà soát để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và vai trò của chính quyền các địa phương là cơ quan trực tiếp xử lý các thủ tục với doanh nghiệp”, ông Thạch nhấn mạnh. Ông cho biết, kết quả khảo sát năm 2021 tại các địa phương thì trung bình chỉ có gần 60% doanh nghiệp được giải đáp các thủ tục liên quan hội nhập FTA. Cần tạo được một cơ chế kết nối, phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội, doanh nghiệp.
Trong khi ông Ngô Chung Khanh lại khẳng định khoảng cách đó đang dần được thu hẹp lại. Song trong bối cảnh nguồn lực có hạn, mỗi tỉnh không thể làm cho tất cả doanh nghiệp, tất cả sản phẩm mà nên dồn nguồn lực để tập trung cho 1-2 mặt hàng chiến lược của mình.
“Ví dụ có những tỉnh mạnh về gạo như Long An, chúng ta tập trung phát triển gạo. Có những tỉnh mạnh về rau quả chế biến thì tập trung cho rau quả chế biến. Những địa phương có truyền thống về da giày như Hải Phòng thì nên tập trung cho da giày”, ông Khanh dẫn chứng.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia cùng cho rằng, để tăng chỉ số cạnh tranh giữa các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp của mình hội nhập và tận dụng các ưu đãi của FTA, cần thiết ban hành một bộ chỉ số FTA sau khi chúng ta đã có PCI Index (bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh).
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng một bộ chỉ số liên quan đến các FTA này, sẽ có các phương pháp điều tra, cách tính công bằng, khách quan, phản ánh một cách rõ ràng những nỗ lực mà các tỉnh, thành đã và đang làm được, có thể bắt đầu triển khai ngay từ năm 2023.