Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9

Từ mùa thu ấy “tiến lên nền dân chủ cộng hòa, giành lại áo cơm tự do”

Đêm 13-8-1945, bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban ra. Từ Tân Trào, Đại hội Quốc dân Việt Nam truyền đi thư kêu gọi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”.

1. Sáng 17-8 ở Hà Nội, khi lá cờ của Việt Minh buông xuống từ nóc nhà hát, bài hát Tiến quân ca vang lên. Tiếp đó, một thanh niên nhảy lên bục hát vào loa phóng thanh bài Diệt phát-xít: “Việt Nam, bao năm ròng rên xiết lầm than/Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang/Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình/Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình/Đồng bào tuốt gươm vùng lên...”. Tại vùng Chợ Đệm phía Nam thành phố Sài Gòn, dưới sự chủ tọa của Bí thư Xứ ủy Nam bộ Trần Văn Giàu, Xứ ủy Nam bộ 3 lần họp bàn phát động toàn xứ đứng lên tổng khởi nghĩa.

Chỉ 15 ngày (từ 13 đến 28-8-1945) cả nước “Tiến lên, nền dân chủ cộng hòa! Giành lại áo cơm tự do”. Tuyên ngôn Độc lập của đất nước lần đầu tiên sau hơn 80 năm nô lệ, nay có tên trên bản đồ thế giới, đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

S1e (1).jpg
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh: TƯ LIỆU

2. Thực hiện lời thề độc lập, ngay sau cuộc cách mạng mùa thu ấy, là 30 năm kháng chiến trường kỳ. Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” của chế độ thuộc địa, đã chuyển thành “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của đồng bào, đồng chí. Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định “đi trước về sau” cùng Nam bộ Thành đồng. Ý chí quyết đánh của Hội nghị Cây Mai (23-9-1945) đã mở đầu quá trình “Chín năm kháng chiến thánh thần/Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn”. Lửa của trận đánh kho bom Phú Thọ Hòa (31-5-1954) hòa vào trận thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ Sài Gòn, phong trào hòa bình Sài Gòn-Chợ Lớn mùa thu năm 1954 lại mở đầu hành trình theo ý chí của cả nước “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”.

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, hậu phương miền Bắc phải hai lần chuyển hướng phát triển kinh tế, tiến hành động viên quy mô lớn sức người, sức của để chi viện cho tiền tuyến miền Nam; đồng thời phải gồng mình chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo của đế quốc toàn cầu. Tiền tuyến miền Nam phải chống chọi 4 chiến lược quân sự của chiến tranh thực dân mới, đương đầu với đội quân viễn chinh hơn nửa triệu người, chịu đựng hàng triệu tấn bom, pháo, chất độc hóa học để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

Sài Gòn - Gia Định “vì cả nước, cùng cả nước” ra trận, nêu cao chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và Sài Gòn - Gia Định ngày 30-4-1975 cùng cả nước hát vang bài hát Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.

S3a.jpg
Một góc đô thị TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HOÀNG HÙNG

3. Lịch sử Việt Nam hiện đại lật sang những chương mới, viết nên những trang sử mới, trong đó TPHCM “là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. TPHCM có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội” (Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 14-9-1982). Sau đó là phát triển thành “đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước” (Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 18-11-2002). Tiếp đến trở thành “đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước” (Nghị quyết 16-NQ/ TW của Bộ Chính trị ngày 10-8-2012).

Nhớ những năm khủng hoảng kinh tế, tháo gỡ khó khăn, chuyển đổi cơ chế, TPHCM là nơi đi trước trong tìm tòi, thử nghiệm, góp phần hình thành đường lối Đổi mới, làm đầu tàu, động lực thúc đẩy công cuộc Đổi mới, phát triển và hội nhập. Vẫn nhớ lúc đại dịch Covid-19, cả nước “chống dịch như chống giặc”, TPHCM vẫn nỗ lực hết sức để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Truyền thống “đi trước về sau”, nghĩa khí, dám đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nối tiếp với truyền thống tiên phong, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không chịu khuất phục trước khó khăn, gian nan, vẫn giữ nguyên trong xây dựng TPHCM. Thành phố “vì cả nước, cùng cả nước”, đã tạo thành thành phố anh hùng, đã làm cho thành phố trở nên năng động, sáng tạo.

Từ mùa thu đầu tiên ấy của “nền dân chủ cộng hòa”, đất nước trải qua bao chuyển biến phát triển và hội nhập để có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Sài Gòn - TPHCM giữ vững vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước. Nay thành phố đang vươn tới một “đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á, châu Á” (Nghị quyết số 81/2023/QH15).

Tin cùng chuyên mục