Từ mạch nguồn văn hóa dân gian

Không chỉ xuất hiện đĩnh đạc trong làng văn với 3 truyện dài liên tiếp, nhà văn trẻ Giai Du (sinh năm 2001, hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Lý luận văn học tại TPHCM) còn khiến bạn đọc ấn tượng khi khéo léo vận dụng văn hóa dân gian vào những tác phẩm của mình.

Điểm tựa vững chắc

Năm 2023, Giai Du chính thức trình làng truyện dài đầu tay Chiều chiều quạ nói với diều (NXB Kim Đồng). Không chỉ khai thác yếu tố văn hóa bản địa của miền Tây, Giai Du còn vận dụng những bài ca dao, dân ca Nam bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung ở mỗi chương sách, giúp tác phẩm có nhiều màu sắc. Ngay bản thân tên sách cũng được Giai Du “mượn” từ câu ca dao: Chiều chiều quạ nói với diều/Vườn cau kia rậm thiệt nhiều gà con/Gà con bưới rác bưới rơm/Con anh chèo chẹo đòi cơm suốt ngày.

S6a.jpg
Nhà văn trẻ Giai Du

Một năm sau đó, Giai Du gây bất ngờ khi ra mắt tác phẩm thứ hai Kiện trời (Linh Lan Books và NXB Hội Nhà văn). Tác phẩm thú vị, hấp dẫn khi mượn tích truyện dân gian Cóc kiện trời để xây dựng hình ảnh, nhân vật, tình huống. Kiện trời đánh dấu một bước tiến đáng kể của Giai Du khi không chỉ vận dụng khéo léo và hiệu quả yếu tố văn hóa dân gian, mà còn khiến bạn đọc không khỏi trăn trở về bản tính thiện - ác trong xã hội và trong chính bản thân mỗi người.

Những ngày đầu năm 2025, Giai Du tiếp tục gửi đến bạn đọc truyện dài Lân Tinh (NXB Kim Đồng). Tác phẩm viết về những con người rày đây mai đó trong đoàn tạp kỹ có tên là Lân Tinh. Đằng sau công việc múa lân mỗi khi tết đến xuân về, hay mỗi dịp khai trương, là những con người chật vật với công cuộc mưu sinh và kiếm tìm hạnh phúc. Ở tác phẩm này, Giai Du dựa trên những đặc điểm của con lân để làm tên cho mỗi chương: sừng nai, tai chó, đầu nửa rồng nửa thú, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử...

Theo chia sẻ của Giai Du, nguồn cảm hứng lớn nhất để sáng tạo nên Lân Tinh đến từ những lễ hội ở quê hương. Anh cảm thấy may mắn khi còn lưu giữ được ký ức tuổi thơ đủ đầy với những nét sinh hoạt thú vị và đem cái không khí nhộn nhịp, những màn trình diễn tạp kỹ của các đoàn múa lân, hội chợ vào trang viết.

Khác với nhiều cây bút trẻ thường chọn những đề tài mang tính thời sự hoặc ăn khách, Giai Du giống như một chú cá bơi ngược dòng, tìm về với điểm tựa vững chắc là chất liệu văn hóa dân gian. Giai Du cho rằng, văn hóa dân gian Việt Nam rất phong phú về đề tài và nội dung, từ cổ tích đến những loại hình khác, là nguồn cảm hứng lớn trong việc viết văn nói riêng và các ngành nghề sáng tạo khác nói chung. “Các chất liệu dân gian nếu được khai thác và sử dụng, dù là trực tiếp hay gián tiếp, cũng đều giúp cho tác phẩm trở nên nổi bật và thu hút được độc giả”, tác giả Giai Du bày tỏ.

Mong được dấn thân nhiều hơn nữa

Ngoài 3 tác phẩm đã ra mắt, hiện Giai Du cũng đang viết thêm truyện ngắn cộng tác với một vài trang báo, tạp chí trong nước, cũng như thực hiện một số dự án xuất bản khác. Niềm đam mê văn chương được khơi dậy từ cảm hứng đọc sách từ nhỏ Giai Du đã được mẹ tạo nên. Giai Du kể: “Từ việc đọc các tác phẩm văn học, tôi bắt đầu mong muốn được viết những tác phẩm của riêng mình, trước hết là lưu giữ những câu chuyện do mình trải nghiệm, cảm nhận và sáng tạo, sau đó là chia sẻ các câu chuyện ấy đến với nhiều bạn bè độc giả khác. May mắn là tôi được gia đình tạo điều kiện để phát triển sở thích này”.

S6a2.jpg
Lân Tinh, tác phẩm mới nhất của nhà văn trẻ Giai Du viết về nghề múa lân truyền thống

Hiếm có một tác giả trẻ nào mà trong 3 năm liên tiếp đều có tác phẩm được xuất bản, nhất là đó lại là những tập truyện dài đòi hỏi nội lực và sự tập trung cao độ. Giai Du nói, 3 tác phẩm liên tiếp tuy về mặt số lượng thì tương đối nhiều, nhưng về dung lượng của mỗi cuốn khá mỏng. Nếu cộng 3 tác phẩm lại có khi chỉ bằng một cuốn tiểu thuyết lớn của các bạn văn khác. “Bởi vậy, về mặt dung lượng tôi thấy cũng không phải quá nhiều. Thật lòng, tôi vẫn hy vọng mình có thể viết nhiều hơn, phát triển và dấn thân nhiều hơn nữa trong tương lai”, Giai Du tâm sự.

Có thể thấy nội dung và đề tài của Giai Du khá phong phú và có sự thay đổi qua từng tác phẩm. Mỗi tác phẩm, anh đều cố gắng thể hiện những chủ đề khác nhau. Hầu hết ý tưởng trong các tác phẩm đều được anh nuôi dưỡng suốt nhiều năm trước khi đặt bút viết, vì thế tuy thời gian viết khá nhanh nhưng thời gian xây dựng cốt truyện, chuẩn bị và trăn trở lại rất lâu. “Không chỉ riêng mình mà tôi nghĩ, mọi người viết đều cần đến sự nhạy cảm với cuộc sống, bởi vì cuộc sống vẫn còn rất nhiều đề tài cần người viết khai thác. Nếu biết cách khai thác thì dù viết nhiều bao nhiêu cũng sẽ không bao giờ cạn, ngược lại càng viết càng thấy mình “tươi mới” hơn qua từng tác phẩm”, Giai Du chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục