Ý chí, khát vọng độc lập, hùng cường của dân tộc Việt Nam hiển hiện từ thời các vua Hùng dựng nước với hòn đá thề trên đỉnh núi Hy Cương, biểu tượng ý chí, khát vọng độc lập của vua Hùng về sự đoàn kết để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Triệu Thị Trinh khẳng định: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”… và rất rõ trong Bình Ngô đại cáo: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập…”.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, việc phát huy ý chí, khát vọng phát triển đất nước gắn liền với tư tưởng của Người về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc: “Trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới” với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Đề ra và thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm cải tổ, cải cách mở cửa của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác nhưng không rập khuôn, máy móc với những nguyên tắc: Đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi hướng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa; thực hiện đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Những thành tựu và kinh nghiệm của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hơn 35 năm qua tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ý chí, khát vọng phát triển đất nước. Bài học kinh nghiệm quý giá nhất của công cuộc đổi mới là dựa vào sức dân, phát huy tinh thần và ý chí khát vọng của nhân dân trong chiến tranh cách mạng vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình. Kết quả của công cuộc đổi mới còn là bài học về phát huy ý chí, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định 5 quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”.
Để thực hiện quan điểm này, nghị quyết yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam. Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Phát huy truyền thống tự lực, tự cường, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc và nền ngoại giao theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây khi dự lễ khánh thành cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình Yêu), tuyến đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả (giai đoạn 1), thông tuyến kỹ thuật cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (những công trình lớn của tỉnh Quảng Ninh) đã nhấn mạnh thông điệp: Các dự án chứng minh tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”; đồng thời, chứng minh bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, thống nhất của chúng ta.
Tuy trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng tương lai phát triển của đất nước ta rất xán lạn. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, với sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân, khát vọng tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.