Công trình nghiên cứu đồ sộ
Xuất phát từ sự quan tâm về khái niệm “triết lí giáo dục” ở Việt Nam trong vòng 20 năm trở lại đây đã hình thành ba luồng quan điểm về triết lí giáo dục nước nhà. Tuy nhiên các luồng quan điểm này chưa thực sự có tính hệ thống, còn nặng về cảm tính và thiếu cơ sở khoa học nên chưa có sự thống nhất và mang tính thuyết phục.
Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và đưa ra chiến lược 5 bước với cách tiếp cận đối tượng triết lí giáo dục theo chiều ngang, chiều dọc, chiều sâu. Cuốn sách bao gồm các chương: Cơ sở lí luận về triết lí giáo dục; Triết lí giáo dục ở phương Tây và Đông Bắc Á; Triết lí giáo dục Việt Nam truyền thống; Sự biến động của triết lí giáo dục Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập; Mô hình triết lí giáo dục Việt Nam định hướng cho những thập niên tới.
Cơ sở lí luận để nghiên cứu là dựa trên quan điểm triết lí giáo dục nhìn từ bên ngoài và bên trong. Ở góc độ bên ngoài, đó là làm rõ sự khác nhau giữa triết lí giáo dục và triết học giáo dục, triết lí giáo dục và minh triết giáo dục, đồng thời phân tích ba yếu tố có vai trò chi phối trực tiếp đến triết lí giáo dục là chính trị, kinh tế, văn hóa.
Đến lượt mình triết lí giáo dục cũng có sự tác động ngược trở lại. Nhìn từ góc độ bên trong thì triết lí giáo dục được coi là hệ tư tưởng giáo dục bao trùm lên các thành tố khác. Với sáu thành tố: sứ mệnh, mục tiêu, nguyên lí, những giá trị cốt lõi của văn hóa giáo dục, yêu cầu về nội dung, yêu cầu về phương pháp đã tạo nên hệ thống ba tầng của triết lí giáo dục (cấu trúc tối thiểu, cấu trúc cơ bản, cấu trúc mở rộng).
Từ cấu trúc trên, các tác giả đã đề xuất mô hình vận động triết lí giáo dục theo loại hình văn hóa (thiên về âm tính, trung gian, thiên về dương tính). Mặc dù kết hợp đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu, song công trình ưu tiên sử dụng phương pháp luận macxit, phương pháp luận thực chứng và phương pháp tiếp cận toàn thể. Bên cạnh đó, công trình còn sử dụng hệ phương pháp dịch lí – hệ thống – loại hình.
Kiến giải sâu sắc
Để so sánh với văn hóa Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu triết lí giáo dục phương Tây và Đông Bắc Á. Văn hóa phương Tây do khởi nguồn từ nghề săn bắt rồi chăn nuôi du mục nên mang tính động, đại diện cho dương tính. Điều đó thể hiện tôn trọng sức mạnh và hướng ngoại, xã hội đề cao vai trò cá nhân và trọng lí trí trên cơ sở tư duy phân tích.
Sự coi trọng lí trí là tiền đề cho sự phát triển của khoa học tạo ra nền văn minh. Giáo dục phương Tây khởi đầu bằng sứ mệnh giáo dục theo mô hình II (xây dựng xã hội phát triển + phục vụ nhu cầu xã hội) vào thời Hy Lạp – La Mã cổ đại với mục tiêu đào tạo kết hợp ba loại mẫu người cơ bản là người thừa hành, người tư duy và người sáng tạo. Từ thời Phục Hưng, sứ mệnh giáo dục có khuynh hướng đào tạo theo mô hình III (xây dựng xã hội phát triển + chăm sóc nhu cầu cá nhân) hướng tới mục tiêu đào tạo người tư duy và người sáng tạo.
Văn hóa ở Đông Bắc Á thuộc loại hình văn hóa trung gian (vừa thiên về âm tính vừa thiên về dương tính) mà Nhật Bản, Hàn Quốc là đại diện. Các quốc gia thuộc khu vực hướng tới xây dựng xã hội phát triển một cách ổn định nên sứ mệnh giáo dục cũng theo mô hình II.
Mục tiêu giáo dục thời phong kiến ở các nước chịu ảnh hưởng Nho giáo là đào tạo Người quân tử (người thừa hành), sau khi chế độ phong kiến sụp đổ thì quá trình này chuyển đổi sang đào tạo Người tư duy (có định hướng) và tiếp cận mục tiêu đào tạo Người sáng tạo. Giáo dục góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của xã hội nhưng có hạn chế là người học luôn chịu nhiều áp lực.
Trên nền tảng của cơ sở lí thuyết và những bài học xây dựng và triển khai ở các nước, nhóm tác giả đã đi sâu tìm hiểu về phân chia giáo dục Việt Nam từ thời Văn Lang – Âu Lạc đến nay làm sáu thời kì với hai giai đoạn: truyền thống và hiện tại.
Trong giai đoạn truyền thống (thời kì phong kiến, Pháp thuộc và thời 1945-1985), với nền kinh tế lúa nước và văn hóa ưa ổn định thì triết lí giáo dục Việt Nam có mục tiêu chủ yếu là đào tạo người thừa hành (làm quan, nhân viên bản xứ, công chức). So sánh với mục tiêu thực tế là thuộc bài, thi đỗ, có bằng cấp, ngoan ngoãn, vâng lời thì nhìn tổng thể, triết lí giáo dục Việt Nam thời kì này là thành công.
Đáp ứng nhu cầu thời đại
Thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế từ năm 1986 đến nay, nền kinh tế chuyển từ chế độ chỉ huy – bao cấp sang kinh tế thị trường, hệ giá trị văn hóa truyền thống đang trong quá trình xã hội chủ nghĩa hóa chuyển sang hệ giá trị trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sự chuyển đổi này đã tạo sự đan xen, đối chọi nhau giữa các giá trị văn hóa cũ và mới. Triết lí giáo dục Việt Nam cũng chịu tác động của các yếu tố này dẫn tới sứ mệnh và mục tiêu giáo dục trong thực tế chưa được như kì vọng.
Các tác giả cũng đã đi sâu phân tích, đánh giá tổng thể thực trạng và chỉ ra được nguyên nhân sâu xa của những bất cập lâu nay trong ngành giáo dục.
Dựa trên những phân tích khoa học và khách quan với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nhóm nghiên cứu đã đưa ra mô hình triết lí giáo dục Việt Nam định hướng cho những thập niên tới. Mô hình có đặc điểm là chuyển hướng mạnh từ mô hình sứ mệnh giáo dục II sang mô hình sứ mệnh III; Tuân thủ ở mức cao các văn bản pháp quy hiện có nhưng cũng đề xuất điều chỉnh những điểm chưa hợp lí, chưa hoàn thiện; Kế thừa ở mức cao những tư tưởng tích cực của Triết lí giáo dục Việt Nam truyền thống và hiện đại.
Với mô hình định hướng tổng thể, bên cạnh bổ sung những nội dung mới về mục tiêu, nguyên lí, nội dung, để đáp ứng yêu cầu của thời đại thì mô hình cũng chú trọng đến phương pháp lấy người học và việc học làm trung tâm đặt trong mối quan hệ với ba môi trường “Nhà trường – Gia đình – Xã hội”. Với mô hình định hướng bộ phận, các tác giả cũng đưa ra những đề xuất cụ thể về mục tiêu cho từng các hệ giáo dục và bậc học.
Có thể thấy Triết lí giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại đã cung cấp một cơ sở khoa học khá toàn diện về triết lí giáo dục để làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục - đào tạo vận dụng xây dựng những triết lí giáo dục bộ phận phù hợp với điều kiện và nhu cầu giáo dục cụ thể của đơn vị, đồng thời mở ra những hướng đi mới trong việc nghiên cứu triết lí và triết học giáo dục, góp phần xây dựng một nền triết học giáo dục Việt Nam và đóng góp cho nghiên cứu triết học giáo dục thế giới.