Từ “kỳ tích 500.000 tỷ đồng” đến động lực năm 2025

Trong các phân tích đến thời điểm này, có 3 nguyên nhân chủ quan và cũng là 3 lực đẩy cho tăng trưởng vào quý cuối năm 2024 của TPHCM về đích ngoạn mục với kỳ tích lần đầu số thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng.

Thứ nhất, đó là mãi lực thị trường của thành phố - nó như nguồn vốn tích lũy nhiều đời của vùng đất lành chim đậu này, là “của để dành” tự thân để khi gặp “thiên thời”, sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, thành mùa bội thu gặt hái.

Ở Nam Á, Ấn Độ muốn trở thành trung tâm sản xuất xuất khẩu chi phí thấp toàn cầu, song nước này đã không thể tiếp nhận hàng triệu người thất nghiệp trong nước, trong khi số vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp lợi thế như điện tử, sản xuất chip lại tăng cao. Trong mảng dệt may, chi phí thương mại cao lại bị bủa vây quá nhiều các hàng rào thuế quan và phi thuế quan…, dẫn tới thị phần thương mại toàn cầu của Ấn Độ đã giảm trước Việt Nam và Bangladesh.

Cũng từ tháng 7-2024 trở đi, Bangladesh chìm trong khủng hoảng chính trị khiến ngành dệt may, xuất khẩu quần áo của nước này chịu thiệt hại 150 triệu USD mỗi ngày. Các thương hiệu và các nhà bán lẻ buộc phải đánh giá lại việc hợp tác thương mại trong tương lai với Bangladesh khi rủi ro từ việc chậm trễ giao và cung cấp đơn hàng (khoảng 3-4 tuần) có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập hàng quý của các nhà bán lẻ lớn.

Và Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã tận dụng hiệu quả tình hình nói trên để gia tăng đơn hàng, mang lại nguồn thu đáng kể sau nhiều năm lao đao.

Cùng với đó, một lợi thế cố hữu cuối năm là nhiều mặt hàng có giá trị lớn, thuế cao như sắt thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng được nhập khẩu mạnh đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách.

Thứ hai, từ tháng 8-2024, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 12 (về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố đến năm 2025) với 7 nhóm hành động để thúc đẩy các trụ cột tăng trưởng kinh tế. Trong đó, nhóm giải pháp thứ năm “tháo gỡ vướng mắc, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính” kết hợp với tính chủ động trong biên độ cho phép được phân cấp, ủy quyền đã thật sự có tác động hữu hiệu.

Cả 7 nhóm hành động được tích hợp thành một “cẩm nang” để các sở, ban ngành, địa phương tham chiếu thực hiện. Cụ thể, UBND TPHCM đã áp dụng bảng giá đất mới theo Quyết định 79, cùng với đó Sở TN-MT TPHCM có chỉ đạo không kiểm tra thực trạng nhà trước khi thực hiện giao dịch nên giao dịch bất động sản sôi động trở lại, giúp nguồn thu từ bất động sản tăng 50%-100%. Số thuế thu nhập cá nhân thu được 55.518 tỷ đồng, đạt 95,7% dự toán năm, tăng 14,5% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 2.252 tỷ đồng (tăng 59,2%). Số thuế thu nhập doanh nghiệp thu được 95.348 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán năm, tăng 16,9% so với cùng kỳ.

Chính quyền thành phố, cụ thể là Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trực tiếp chủ trì các cuộc họp Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư. Điển hình vừa qua, 5 dự án lớn đã được tháo gỡ để hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đầu tư, cấp phép xây dựng, nghĩa vụ tài chính, triển khai thi công, hoàn thành dự án nhằm phát triển đô thị theo quy hoạch, tránh lãng phí đất đai. Chỉ riêng 5 dự án này giúp tăng nguồn thu cho ngân sách trên 18.000 tỷ đồng.

Hiện, cơ quan đầu mối là Sở KH-ĐT TPHCM tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân nhóm các vướng mắc, khó khăn của các dự án. Riêng tổ công tác họp định kỳ từ 1 đến 2 lần trong một tháng để tập trung xử lý vướng mắc nguyên phát lẫn thứ phát.

Thứ ba, yếu tố mới và có sức lan tỏa là việc thực hiện các quyết sách quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm; TPHCM đã và đang hành động mạnh mẽ thực hiện các chỉ đạo đó, trong đó có không khí “thần tốc” của cuộc cách mạng tinh gọn đi kèm mục tiêu đạt hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công vụ, quyết liệt ngăn chặn tình trạng gây lãng phí công. Không khí đó đã tác động lên nhận thức, thái độ của các cấp chính quyền, sở ngành. Sự chủ động nhập cuộc, tinh thần “dám làm” đã được phát huy nên nhiều khâu vốn là điểm nghẽn đang được tháo gỡ và mang lại kết quả tích cực.

Không phải ngẫu nhiên khi trong nhiều cuộc hội nghị, gặp gỡ mà cụ thể là tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 34 vừa qua, hay tại buổi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X vào chiều 10-12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố. Đồng chí Phan Văn Mãi coi thành quả kinh tế - xã hội năm nay là đóng góp thật sự của doanh nghiệp, người dân và mọi nỗ lực của chính quyền không ngoài hồi đáp những đóng góp ấy, làm mọi cách để nội lực - mãi lực trong dân, trong doanh nghiệp được khơi thông, phát triển. Điều đó cũng trở thành nền tảng và động lực cho những mục tiêu lớn lao của TPHCM trong năm 2025.

Tin cùng chuyên mục