Không để rượu bia hủy hoại nhân cách
Nhiều gia đình nước ta luôn có vài chai rượu, thậm chí có một hũ rượu để sẵn sàng mời khách uống với rất nhiều lý do khác nhau. Hết rượu thì bảo trẻ con đi mua về. Ở nông thôn, khách mua rượu không có tiền mặt thì trả bằng các nông sản có giá trị tương đương, như mấy lon gạo, mấy ký củ mì, vài con cá…, hoặc mua ký nợ, đến kỳ thu hoạch sẽ đong lúa đem trả.
Mặc dù thường xuyên có những người bị bệnh vì nghiện rượu và chết vì say rượu, nhưng cũng không đủ cảnh tỉnh những người khác, vì những người thích uống rượu sẽ an ủi bên bàn nhậu rằng sống chết có số. Có người vẫn ý thức được rằng uống rượu nhiều sẽ hủy hoại sức khỏe, nhưng lại không kiềm chế được bản thân trước nhưng lời mời mọc, rủ rê của bạn bè.
Bây giờ làm gì cũng phải đưa nhau ra bàn nhậu mới giải quyết được. Có những người uống rượu say mất hết nhân tính đánh vợ, chửi con, có hành vi và lời nói xằng bậy. Đáng buồn là thấy những chuyện như vậy hoài nên nhiều người cũng xem là chuyện thường ngày.
Cần phải giảm bớt việc sử dụng bia rượu bằng cách kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; kiểm soát chặt chẽ việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm bia rượu, nhất là đối với loại rượu tự chế; nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức để mọi người tự kiểm soát, không để rượu bia hủy hoại sức khỏe và nhân cách.
NGUYỄN VĂN CÔNG, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Huệ
Bỏ thói quen ép bia rượu trên bàn nhậu
Lâu nay, việc mời, ép uống bia rượu trên bàn nhậu vẫn được xem là cách giao tiếp thân mật bình thường. Nhưng những hệ lụy sau các cuộc nhậu như hơn thua lời nói rồi bất hòa, đánh nhau; chạy xe khi không đủ tỉnh táo, gây ra tai nạn giao thông… thì người mời, ép người khác uống say xỉn lại kể như vô can, không phải chịu trách nhiệm.
Với việc Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sắp có hiệu lực thi hành, mọi người hãy cảnh tỉnh, từ bỏ ngay thói quen mời, ép bạn bè uống rượu bia, để họ còn có thể tự chạy xe về. Và hãy nhớ rằng nếu người bị mình mời, ép uống rượu bia say xỉn rồi bị tai nạn tử vong thì mình cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hãy thay đổi nhận thức, tôn trọng pháp luật, giữ an toàn giao thông, cùng thực hiện nguyên tắc đã uống rượu bia thì không lái xe. Các nhà hàng ăn uống có bán rượu bia cũng nên mở dịch vụ đưa người về nhà, hoặc dịch vụ trông xe qua đêm với giá vừa phải để cho người uống quá say có thể gửi xe lại rồi bắt xe taxi hoặc xe ôm về. Chắc chắn, đối với người thích nhậu, tiền xe taxi hay xe ôm vẫn rẻ hơn nhiều so với tiền phạt.
HOÀNG ĐỨC TÂM, chung cư An Bình (Dĩ An, Bình Dương)
Nhắc nhau ý thức phòng ngừa
Uống ly rượu bia để vui họp mặt, kết chặt tình bằng hữu, thậm chí để hóa giải mối bất hòa. Không ai chê trách việc này. Tuy nhiên, cần ý thức rõ tác hại của rượu bia để không quá đà, không vi phạm pháp luật, không nguy hại sức khỏe, tính mạng của mình và người khác. Uống rượu bia cũng phải có văn hóa, không gây ồn ào mất trật tự, không ép buộc hay thách thức nhau uống đến nôn tháo, say xỉn. Đã có rất nhiều vụ án kẻ say xỉn gây tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc gây mất trật tự, hành xử bạo lực, dâm ô.
Lâu nay, việc tuyên truyền, vận động mọi người hạn chế tác hại của rượu bia có thực hiện, nhưng chưa đủ sức thuyết phục, do vậy, dư luận rất hoan nghênh việc ra đời Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, xử lý nghiêm hành vi tham gia lưu thông có nồng độ cồn, và cả xử lý hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.
Từ đó, có cơ sở pháp luật để tạo ra sự chuyển biến xã hội, hạn chế tác hại của rượu bia, giúp mọi người nhận thức để từ bỏ thói quen uống và rủ rê, mời, ép uống rượu bia. Nên ban hành đầy đủ các văn bản dưới luật để áp dụng, thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Cũng nên sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự về việc xử lý pháp luật đối với các hành vi lạm dụng rượu bia.
TRẦN BÁ DUY PHƯƠNG, Hội thẩm nhân dân TAND quận 3