Từ khi Beckham lấy vợ

Sir Alex Ferguson đã chuyển nhượng David Beckham cho Real Madrid hơn 4 năm trước. Và bây giờ, Becks cũng chẳng còn ở Real nữa mà đã sang Mỹ khoác áo Los Angeles Galaxy. Nhưng có những điều hình như đến bây giờ Sir Alex mới nói: Cuộc chuyển nhượng năm xưa diễn ra là do cô vợ ngôi sao nhạc pop của Beckham hơn là do chính Beckham.

Sir Alex Ferguson đã chuyển nhượng David Beckham cho Real Madrid hơn 4 năm trước. Và bây giờ, Becks cũng chẳng còn ở Real nữa mà đã sang Mỹ khoác áo Los Angeles Galaxy. Nhưng có những điều hình như đến bây giờ Sir Alex mới nói: Cuộc chuyển nhượng năm xưa diễn ra là do cô vợ ngôi sao nhạc pop của Beckham hơn là do chính Beckham.  

Từ khi Beckham lấy vợ ảnh 1
Vợ chồng Beckham, một cái nhìn đủ nói lên tất cả.

Nói cách khác, có những điều giới truyền thông Anh quốc vốn vẫn tin là thật, Roy Keane tin là thật, đã được lời Sir Alex chứng nhận... là có thật. Hai tuần trước, nhiều tờ báo ở Anh đã đồng loạt đăng tải cuộc tuyên chiến của Roy Keane với các cô vợ, bạn gái của cầu thủ. Keane lên án nhiều cầu thủ đã để cho sự nghiệp của chính mình bị chi phối quá lớn bởi những cô vợ, những cô bồ đỏng đảnh. Còn Ferguson, trong cuộc hội thoại với khán thính giả ở Nhà hát Citizens Theatre tại Glasgow vào tối thứ Ba vừa qua, ông cho rằng, Victoria Beckham - hay Posh Spice - còn chi phối Beckham nhiều hơn nữa.
 
"Đối với tôi, Beckham chưa bao giờ là một mối bận tâm lớn, cho đến khi cậu ấy lấy vợ", Ferguson nói, "Trước kia, Beckham vẫn thường tập tành vào ban đêm với các HLV ở viện đào tạo bóng đá trẻ. Beckham là một cậu bé tuyệt vời. Nhưng khi lấy vợ và bước chân vào lĩnh vực giải trí thì lại khác. Từ lúc ấy, cuộc đời của Beckham không bao giờ như trước nữa. Beckham trở thành một nhân vật nổi tiếng, bóng đá chỉ còn là một phần nhỏ trong cuộc sống, cái dáng điệu quý tộc ở Beckham mới là một phần lớn".
 
Nói vậy là hiểu rồi! Chất gia trưởng trong con người Sir Alex không chấp nhận Beckham để ảnh hưởng của Posh Spice lấn át ảnh hưởng từ phía ông. Cầm quân cho Manchester United hơn 20 năm nay, nắm chắc CLB trong bàn tay, Sir Alex không chấp nhận bất cứ nhân vật thứ ba nào xen vào uy quyền tuyệt đối giữa ông với các cầu thủ. Nhào nặn hết thế hệ vàng này đến thế hệ vàng khác cho Manchester United, Sir Alex không muốn buông Becks cho Victoria Adams và cho cái kỹ nghệ đánh bóng tên tuổi đã làm ra một Beckham bóng bẩy như bây giờ.
 
Có một lần vì đội nhà thi đấu không đạt yêu cầu, ông tức giận vung mạnh cái chân trong phòng thay quần áo. Chiếc giày vô tình văng ra trúng mặt Becks, phải khâu mấy mũi. Becks không nói nửa lời, có thể vì anh còn quá nể Sir Alex, nhưng cũng có thể vì anh không thèm nói nữa. Cũng có một lần, Victoria Adams đùa cợt trong một cuộc phỏng vấn rằng cô rất thích thú dìm cho Sir Alex... chết đuối. Cả hai lần ấy, Sir Alex cũng chẳng nói gì. Càng không có chuyện xin lỗi. Không thanh minh. Không giải thích. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến cái ngày đột ngột có tin ông quyết định bán Beckham cho Real Madrid.
 
Vào lúc ấy, đã có không ít dấu hỏi đặt ra: Không đơn giản là Sir Alex đã bán cho Real một chuyên gia sút phạt và chuyền bóng chính xác như có radar dẫn đường. Không đơn giản là Sir Alex bán cho Real một thành viên từng gắn chặt với thời vàng son nhất của "Nhà hát của những ước mơ", một cầu thủ từng coi ông như một người cha trong bóng đá. Không một lời giã biệt theo đúng lẽ thường, Sir Alex quyết định chuyển nhượng Becks như một ông bố quyết định từ con. Và bao trùm lên cuộc chuyển nhượng này là hình bóng của Victoria hơn là những con số triệu triệu euro của bản hợp đồng. 

 "Bóng đá chỉ còn là một phần nhỏ trong cuộc sống, cái dáng điệu quý tộc mới là một phần lớn". Ai cũng biết một cầu thủ như Becks muốn bước sang giới của Posh Spice thì phải làm như thế. Nhưng khi nhận xét ấy thốt ra từ Sir Alex thì lại nghe như một sự dè bỉu. Và còn hơn cả dè bỉu nữa. Sir Alex cho rằng bất kể cái dáng vẻ như một ngôi sao điện ảnh, Beckham vẫn khó mà chinh phục được giới hâm mộ thể thao ở nước Mỹ, giống như tên bộ phim "Nhiệm vụ bất khả thi" (Mission Impossible) của Tom Cruise vậy.
 
Beckham đầu quân cho Los Angeles Galaxy theo một hợp đồng 5 năm là để thu hoạch khoảng 250 triệu USD và để thúc đẩy cho môn bóng đá lên một tầm cao mới ở Mỹ. Nhưng Sir Alex không tin Becks thành công: "Cuối thập niên 1970, tôi từng sang Mỹ cùng đội Aberdeen (Scotland), lúc ấy, giải bóng đá Bắc Mỹ có những cầu thủ như Cubillas, trước đó còn có Pele, Johan Cruyff, Franz Beckenbauer. Beckham sang đó là khó rồi, tôi không biết cậu ấy có thể tạo ra tác động gì. Một mình David Beckham không thể thay đổi cả một đất nước".
 
Phải nói thêm rằng, đó là một đất nước có diện tích rất rộng lớn, và theo Sir Alex thì đó cũng là một trở ngại lớn: "Trong bóng đá châu Âu, đặc biệt là bóng đá Anh, người ta đi lại dễ dàng. Ở Mỹ, nếu bạn ở Boston và cần đi Los Angeles, bạn phải bay 6 giờ đồng hồ. Cổ động viên ở Mỹ không đi theo đội bóng, do vậy, mất cái không khí đối chọi nhau hào hứng trên khán đài. Để bóng đá hấp dẫn hơn thì phải tổ chức giải theo từng vùng, nhưng lại không đủ số lượng đội bóng để lập ra 4 giải địa phương mạnh". 

Hưng Nguyên tổng hợp

Tin cùng chuyên mục