Ai cũng biết quản lý một xã hội là chuyện không nhỏ, đó là việc hệ trọng, phức tạp, kiên trì, không phải cứ làm là có kết quả ngay.
Khi đất nước có chiến tranh, xã hội mang tính đặc thù. Toàn dân, toàn quân, một ý chí. Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để đánh thắng quân thù. Giải phóng và bảo vệ đất nước. Lúc ấy quản lý xã hội không phải dễ, nhưng có phần thuận hơn.
Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, việc quản lý xã hội đa dạng, phức tạp hơn nhiều. Các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước vì mục đích toàn dân, do đó việc thỏa mãn nhu cầu của từng người, từng nhóm lợi ích là điều không thể.
Thực tế hơn 40 năm kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) đã minh chứng, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp tổ chức bộ máy, an sinh xã hội, xây dựng thể chế, phần lớn đi vào cuộc sống. Nhưng không phải chủ trương nào cũng đúng, cũng thuận lòng dân; mà ngược lại có chính sách sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của đất nước. Rõ ràng, các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống khi nó phù hợp với quy luật phát triển và thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu mang tính khách quan của toàn xã hội.
Việc “dẹp” sự lấn chiếm vỉa hè, trả lại đường cho người đi bộ đang diễn ra không phải chuyện mới, lạ. Chúng ta đã nhiều lần thực hiện. Nếu có mới là ở chỗ từ sự đột phá, quyết liệt của chính quyền quận 1 (TPHCM) đã lan tỏa khắp nơi, thành “phong trào” rầm rộ cả nước, trọng điểm là các đô thị lớn. Và cả nạn kẹt xe, ngập nước nữa. Đã có nhiều cuộc hội thảo, khảo sát, đề án, thậm chí cả các cuộc thi với giải thưởng khá cao để ngăn chặn vấn nạn này. Nhưng rốt cuộc, mọi thứ dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Các biện pháp như xây nhanh cầu vượt, thay dải phân cách, phân luồng lưu thông, điều chỉnh giờ làm việc, học hành... chỉ mang tính giải pháp tình thế, chữa cháy, thiếu sự căn cơ, bền vững.
Nếu không lầm, cách đây vài chục năm, các trung tâm lớn như TPHCM, Hà Nội rất thông thoáng, ít ngập, môi trường trong lành. Có nhiều nguyên nhân mang đến điều tốt đẹp đó, trong đó có việc quản lý dân số và quy hoạch đô thị.
Hồi ấy, hình như ai muốn vào sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đều phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như: có trình độ tốt nghiệp đại học, có nơi ở cố định, nơi làm việc cụ thể... Nay do quy định của pháp luật, bảo hộ công dân quyền có nhà ở; tự do chọn lựa nơi sinh sống và làm việc nên các TP lớn, các trung tâm kinh tế, “nở nồi” dân số tăng một cách khó lường. Cư dân cần có nơi ở, nơi làm việc, nơi học hành; cần có phương tiện di chuyển… nên các khu dân cư không ngừng mọc lên, các phương tiện di chuyển cá nhân như xe máy, xe hơi tăng nhanh; việc kẹt xe, ngập nước, lấn chiếm vỉa hè, buôn thúng bán bưng là điều có thể hiểu được.
Nói đi phải nói lại. Người dân hoàn toàn có lý khi được quyền chọn nơi ở, nơi sinh sống và làm việc của mình. Nhiều tấm gương các bà mẹ, ông cha từ quê lên buôn thúng bán bưng, chạy xe ôm, làm phụ hồ... vẫn nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Nhiều người có con là kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà giáo... Đó là việc làm rất đáng trân trọng. Nhưng không vì thế mà để các đô thị lớn ngày càng lún sâu vào thế bế tắc về việc giải quyết các “vấn nạn” mang tính dân sinh.
Với trách nhiệm chính trị, đến lượt mình, chính quyền các cấp (từ trung ương đến địa phương) cần xem lại vai trò quản lý nhà nước của mình đã thực sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước?
Gần đây, nhân “cuộc cách mạng vỉa hè” (không biết đã diễn ra lần thứ mấy), người ta mới ngộ, hóa ra chính quyền biết cả đấy, nhưng tại sao không đẹp được? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính đội ngũ làm công tác quản lý xã hội bảo kê, đỡ đầu cho các cơ sở kinh doanh lấn chiếm vỉa hè ấy. Mới đây, người đứng đầu chính quyền thủ đô, vốn là vị tướng tư lệnh lực lượng công an thủ đô, không sợ “vạch áo cho người xem lưng”, bảo rằng có đến trên 75% quán bia chiếm vỉa hè ở Hà Nội có sự bảo kê của công an. Đúng thế! Việc ấy theo chúng tôi không chỉ xảy ra ở thủ đô Hà Nội mà các TP lớn, các địa phương khác có không? Ngành công an và quản lý đô thị nên xem lại mình.
Thời gian qua đã có nhiều “cuộc cách mạng”, “phong trào” mang tính dân sinh như cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm uống rượu ngày giờ làm việc, cấm đại tiện, tiểu tiện không đúng chỗ, cấm xả rác bừa bãi... nhưng kết quả đến đâu? Hay chỉ có 2 “cuộc cách mạng” tạm gọi đạt hiệu quả (tuy chưa được như ý muốn) là cấm đốt pháo vào dịp Tết Nguyên đán và đội nón bảo hiểm khi đi xe máy tham gia giao thông (?!).
Vì sao 2 “phong trào” ấy đi vào cuộc sống? Các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách và đội ngũ các nhà khoa học cần mổ xẻ để trình Quốc hội, Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành quyết sách đúng đắn để quản lý và điều hành đất nước.
Từ thực trạng trên, chúng tôi kiến nghị:
Thứ nhất, nên có tư duy mới về quản lý đô thị, từ việc quản lý dân số đến mở rộng đô thị.
Thứ hai, cần nghiên cứu căn cơ bài bản trước khi ban hành những chính sách, đặc biệt chính sách mang tính dân sinh. Hạn chế các biện pháp tình thế, vừa tốn tiền của, vừa ảnh hưởng môi trường sống.
Thứ ba, sau khi cân nhắc kỹ, khi đã ban hành chính sách mới cần kiên quyết thực hiện, tránh đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột.
Đã hết thời phát động các phong trào thi đua cho có “không khí “; cần đi sâu vào hiệu quả, thiết thực.
Cuối cùng, làm gì thì làm, trước khi phát động phong trào, ban hành chủ trương, chính sách mới cũng phải nghĩ đến lợi ích, cuộc sống của người dân. Lợi ích người dân phù hợp với lợi ích nhà nước sẽ là động lực, mục tiêu của sự phát triển bền vững. Từ nạn kẹt xe, ngập nước đến việc lấn chiếm vỉa hè ở các đô thị lớn cần có tầm nhìn mới!
TRẦN THẾ TUYỂN