Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Chưa có sự thay đổi rõ rệt giữa các vùng

Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của chất lượng giáo dục phổ thông cả nước. Từ đó đặt ra những vấn đề cần điều chỉnh về chính sách giáo dục.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những con số biết nói

Qua thống kê, phổ điểm của các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn tương đồng với phổ điểm năm 2023 và các năm trước. Năm nay, điểm trung bình dưới 5 của tất cả các môn đều có sự cải thiện đáng kể; kể cả các môn như Toán, Lịch sử, Vật lý là những môn thường có số điểm dưới trung bình tương đối lớn. Đây là kết quả tiến bộ rõ rệt so với những năm trước, thể hiện sự ổn định, nỗ lực trong học tập, giảng dạy của các em học sinh và thầy cô giáo.

Tuy nhiên, chất lượng giáo dục phổ thông vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt giữa các vùng, chưa có một sự “soán ngôi” ngoạn mục nào. Đứng đầu chất lượng giáo dục phổ thông vẫn là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, TPHCM, Bình Dương, các tỉnh Bắc Trung bộ… “Vùng trũng” giáo dục phổ thông vẫn nằm ở khu vực miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đứng đầu điểm thi là tỉnh Vĩnh Phúc, thứ hai là Nam Định, thứ ba là Ninh Bình, tiếp đến là Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hải Phòng... Các địa phương đứng trong tốp 10 về điểm 10 gồm có: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, TPHCM, Ninh Bình, Phú Thọ…

Chất lượng giáo dục ở một số tỉnh đã có tiến bộ rõ rệt. Điển hình như Tuyên Quang xếp thứ 22 toàn quốc, xếp thứ 3/14 tỉnh miền núi phía Bắc với điểm trung bình là 6,75 điểm; đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn Hóa và Sinh. Đây là thành tích đạt được do ngành GD-ĐT Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; giao chỉ tiêu chất lượng cho hiệu trưởng các trường trực thuộc; giao điểm trung bình theo từng môn thi tốt nghiệp THPT cho các đơn vị; đẩy mạnh hoạt động của Tổ tư vấn chuyên môn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường… Tương tự, An Giang nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố trong cả nước có điểm trung bình cao nhất và đứng đầu ĐBSCL với 7,024 điểm. Kết quả này là nhờ tỉnh An Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp: tăng cường hoạt động của hội đồng cốt cán, tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng chuyên môn, ôn tập thi tốt nghiệp trên truyền hình...

S4a.jpg
Các thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 - điểm thi Trường THCS Colette, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Điểm xét tuyển đại học một số tổ hợp tăng

So với năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 6/9 môn tăng điểm, gồm Toán, Ngữ văn, Vật lý, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh, mức tăng từ 0,06 đến 1,04 điểm. Điểm trung bình tăng ở từng môn khiến điểm trung bình một số tổ hợp xét tuyển đại học tăng. Trong đó, tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) tăng mạnh nhất, từ 18,97 lên 20,95 điểm. Các tổ hợp khác như A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh) điểm trung bình cũng tăng từ 0,13 đến 0,6. Riêng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), điểm trung bình giảm nhẹ.

Với mức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhiều chuyên gia dự đoán điểm trúng tuyển dự kiến ở các khối như A00, A01, D01 năm nay tương tự như năm 2023, tức là điểm từ 25 trở lên cho các trường đại học ở tốp trên và các ngành nghề “hot”; còn các trường đại học tốp trung bình thì điểm sẽ dao động từ 20-24 điểm, phần còn lại là mức điểm từ 15-20 điểm. Riêng các khối có môn Văn, Địa và Lịch sử thì dự kiến sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm ngoái từ 1-1,5 điểm trở lên, tức mức điểm trúng tuyển ở trường tốp đầu dự đoán là từ 25-26 điểm, còn phần lớn các trường đại học ở mức điểm dự kiến trúng tuyển từ 21-24 điểm.

GS-TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, dự báo, nếu không có biến động lớn về tỷ lệ chỉ tiêu dành xét điểm thi tốt nghiệp, điểm chuẩn đại học năm nay sẽ cao hơn năm ngoái 1-3 điểm ở các tổ hợp, trong đó các tổ hợp có môn Văn, Sử, Địa sẽ tăng điểm chuẩn mạnh nhất. Còn theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh tạo tối đa cơ hội trúng tuyển cho các em. Thí sinh không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng, dẫn đến làm giảm cơ hội trúng tuyển. Nếu đã trúng tuyển ở nguyện vọng xét tuyển sớm, nhưng thí sinh vẫn mong mỏi ở những ngành học, trường học khác yêu thích hơn thì nên đăng ký nguyện vọng một cách phù hợp.

Tin cùng chuyên mục