Toàn văn dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ TN-MT, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Báo SGGP Online (www.sggp.org.vn) và nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo tại đây.
Phạm vi lấy ý kiến nhân dân là toàn diện, toàn bộ Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc.
Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội thành viên; các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chủ trì tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tổ chức lấy ý trong đơn vị, tổ chức, hệ thống mình.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức lấy ý kiến đối với nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình. UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 12-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đây là nội dung trọng tâm của công tác tư pháp trong cả nhiệm kỳ khóa XV.