Nhưng những năm gần đây, cánh đàn ông của 3 làng đã bỏ nghề để chuyển sang một nghề mới là porter, biến công việc này trở thành thương hiệu toàn cầu với các đoàn khách quốc tế.Chuộc lỗi với rừng Porter là công việc vận chuyển gùi thồ, kiêm chuyện trò, hướng dẫn viên bản địa, có khi còn là nhà điền dã cho các đoàn tham quan, du khách... đến du lịch tại địa phương. 5 năm trở lại đây, người dân xã Sơn Trạch rất tự hào với công việc porter của mình. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch MTTQ xã, cho biết: “Phụ nữ thì chuyển nghề phục vụ trong các nhà hàng hay quán xá mới mở, có người làm theo tháng, có người làm theo ca; còn đàn ông ngoài 5 tháng làm ruộng thì 7 tháng trong năm sẽ làm porter gùi thồ. Lâm tặc ở đây đã hoàn toàn sạch bóng”. Để kiểm chứng lời ông Hòa, chúng tôi xuống tận những vùng ngày xưa lâm tặc là nghề cha truyền con nối. Giờ đây, đâu đâu ở Phong Nha, Hà Lời, Cù Lạc cũng bắt gặp cảnh người dân say sưa làm dịch vụ du lịch. Một người dân cho biết: “Hồi còn là lâm tặc gùi khúc gỗ cả trăm ký, nặng hơn cái thân, nên chừ gùi thồ khỏe mà lại có thu nhập cao, nên từ bỏ nghề cũ”.
Lều bạt, lương thực… của du khách đều do porter gùi vào ra hang động
Từ ngày tour du lịch thử nghiệm chinh phục Sơn Đoòng (hang động lớn nhất thế giới) mở cửa vào năm 2010 đến nay, đội ngũ gùi thồ trở nên đắt hàng. Đặc biệt từ năm 2013, hãng truyền hình ABC trực tiếp chương trình Chào buổi sáng nước Mỹ đã tạo ra hiệu ứng toàn cầu khiến du khách đổ về Phong Nha ngày càng đông. Năm 2013, Công ty Oxalis cùng với sự hợp tác của những chuyên gia khám phá hang động người nước ngoài đã tuyển dụng 150 đàn ông từng làm lâm tặc đi phục vụ khách quốc tế. Những chuyên gia ấy gồm ông Howard Limbert cùng vợ và các cộng sự, vốn là những người đam mê khám phá hang động. Ông Howard Limbert là một tiến sĩ người Anh, có thâm niên 25 năm tự bỏ tiền túi để thám hiểm hơn 200km hang động hùng vĩ ở Quảng Bình. Khi ông phát hiện ra Sơn Đoòng, ông đã cùng vợ ở lại Phong Nha để huấn luyện cho cộng đồng dân cư ở đây phục vụ du khách nước ngoài theo chương trình mạo hiểm, giúp đỡ Công ty Oxalis huấn luyện lâm tặc thành porter để rừng không bị xâm hại.
Vốn là những người tự do, phóng khoáng, không dễ chịu nghe ai sắp đặt công việc, nhưng với sự hướng dẫn của các chuyên gia hang động người nước ngoài và đặc biệt, trước viễn cảnh có một công việc lương thiện, tạo thu nhập tốt, những lâm tặc xưa đã thay đổi suy nghĩ, sớm thích nghi với nghề mới. Ông Hồ Bằng Nguyên, một porter ở đây, cho biết: “Ngày trước, tôi lấy nghề rừng để mưu sinh. Bây giờ cũng là nghề rừng, nhưng là nghề phục vụ du khách vào rừng thám hiểm Sơn Đoòng. Nghĩ lại công việc ngày trước chuyên phá rừng khiến cuộc đời “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, mãi không khá lên được. Gùi thồ cho du khách, được họ lắng nghe, được gọi là hội anh em porter, luôn đoàn kết, thương yêu nhau, luôn chia sẻ cùng nhau mỗi khi khó khăn, hoạn nạn, thế mới biết có việc làm quan trọng như thế nào.Đổi đời Ông Hồ Khanh, người tìm ra Sơn Đoòng, trước cũng là một sơn tràng đạp cội khắp núi rừng Phong Nha, nay thành quản lý hơn 200 porter, nói: “Mọi người làm ở đây đều có lương, hưởng đúng theo năng lực lao động và được tôn trọng chứ không phải chui rúc trong rừng kiếm ăn đơn lẻ như trước”. Ông Hồ Khanh hiện hưởng mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, còn 4 đội trưởng, mỗi người lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, porter gùi hàng hóa vào hang Én, Sơn Đoòng, Tú Làn thì lương từ 6-7 triệu đồng/tháng. Các porter đều nhận ra rằng nếu không có nghề này chắc chắn họ sẽ còn làm những công việc tiêu cực, gây hại cho rừng. Hơn 200 con người mà đi rừng, chỉ mỗi người chặt 2 cây, thôi thì mười ngày đã hủy hoại 4.000 cây rừng. Cứ thế chẳng bao lâu rừng bị đốn trụi. Lý lẽ duy nhất của lâm tặc đó là vì đói. Nghề porter đã giải thoát họ, Oxalis đã kết nối họ thành hội nghề nghiệp khiến bất cứ đoàn khách du lịch nào cũng hài lòng. Ông Hồ Bằng Nguyên là một điển hình thành công bởi nghề porter. Trước đó, ông là thợ sơn tràng, gia đình sống ở ngay làng Phong Nha, ông có 7 đứa con. Đã 5 năm đầu quân vào trung tâm porter của Oxalis, ông nuôi 5 đứa con học xong đại học, còn 2 đứa đang học cấp 2 và cấp 3. “Chính nghề porter đã cho tôi và con cái cuộc sống thoải mái. Tôi nuôi con cái đàng hoàng, con tôi giờ cũng làm nghề dịch vụ du lịch ngay trên quê hương mình - nghề porter”.
Công ty Oxalis là công ty lữ hành quốc tế chuyên về du lịch mạo hiểm duy nhất ở Việt Nam. Oxalis được ông Nguyễn Châu Á người làng Phong Nha thành lập. Vốn là một người có tình yêu sâu sắc đối với rừng, muốn bảo vệ rừng khỏi nạn lâm tặc, ông Châu Á đã thành lập công ty để giải quyết việc làm cho lâm tặc ở Quảng Bình theo ông đó là cách để ngăn chặn nạn phá rừng.
Ông Trần Văn Tuấn làm nghề porter mới 1 năm, nhưng đã có tới hàng chục năm đi rừng. Ông Tuấn đi tù vì tội cưa bom ở Lào, lấy thuốc nổ gùi về Việt Nam. Khi ra tù, ông Tuấn đi xin việc làm porter với mong muốn được hoàn lương. Porter già nhất có lẽ cụ Nguyễn Văn Thế (72 tuổi), nuôi 4 đứa con: “Từ ngày có công việc này, lương của tôi không những đủ nuôi con, mà kinh tế gia đình còn ổn định”. Porter Hồ Xuân Cường vốn là một trẻ mồ côi cha từ năm 5 tuổi, lớn lên trong căn nhà mưa lũ ngập sát nóc. Từ khi làm porter, Cường đã giúp mẹ và em gái dựng căn nhà xây kiên cố hai tầng, tuy có vay mượn thêm nhưng với Cường, nghề porter đã trở thành cứu cánh giúp mẹ già không còn nỗi lo nhà sập mỗi mùa mưa lũ.
Anh Hồ Xuân Kỳ, một porter sinh năm 1979, để tri ân vợ chồng ông Howard Limbert, đã tặng cho chuyên gia hang động này 100m² đất để làm nhà ở với mong muốn ông sẽ gắn bó cùng mảnh đất này. Ông Howard tâm sự, ông muốn ở lại Việt Nam, ở lại Phong Nha vì ông đã trót yêu con người nơi đây. Nhìn vùng đất không còn ai phá rừng mà bảo vệ rừng và làm nghề porter cũng như các dịch vụ khác khiến ông rất xúc động.