Tự hào Điện Biên

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), muôn triệu trái tim cùng chung nhịp đập với mảnh đất biên cương nơi Tây Bắc xa xôi. Tất cả đều cảm thấy tự hào, hân hoan và xúc động về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam cách đây tròn 70 năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Những cựu chiến binh đến sớm xem diễu binh, diễu hành. Ảnh: QUỐC KHÁNH
Những cựu chiến binh đến sớm xem diễu binh, diễu hành. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Đông nghịt người xếp hàng đợi giờ khai mạc

Từ mờ sáng, những con đường xung quanh sân vận động Điện Biên, nơi diễn ra đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đông nghịt người dân. Vỉa hè ở tất cả tuyến đường chính của TP Điện Biên Phủ như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Thái, Hoàng Công Chất, Phan Đình Giót… không còn một chỗ trống, tất cả mọi người đều trật tự, nghiêm túc xếp hàng chờ đợi giờ khai lễ với tâm lý háo hức, vui vẻ.

Ông Trần Xuân Tuân (70 tuổi, ở TP Đồng Hới, Quảng Bình), một cựu chiến binh của Sư đoàn 312, đã cùng đoàn 12 cựu chiến binh lên Điện Biên vào sáng 6-5. Đêm qua, ngay sau khi xem chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” và màn pháo hoa rực rỡ, các cựu chiến binh về nghỉ vài tiếng, tới 3 giờ sáng đã ra trước Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để chờ xem diễu binh, diễu hành. “Ở cái tuổi này, dù phải thức đêm, dậy sớm nhưng đồng đội chúng tôi đều cảm thấy rất hào hứng, mọi mệt mỏi và vất vả không thể bằng những năm tháng chiến tranh”, ông Tuân chia sẻ.

7 giờ sáng, trời Điện Biên đổ mưa lớn nhưng tất cả các khối diễu binh, diễu hành vẫn giữ nghiêm đội hình, chuẩn bị vào cuộc diễu binh chào mừng đại lễ. Những người dân và du khách cũng sẵn sàng đội mưa cùng những anh bộ đội, cô dân quân. Thiếu úy Lê Thùy Trang, khối nữ lực lượng Gìn giữ hòa bình, nói: “Chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua mọi bất lợi thời tiết để diễu binh thật chuẩn xác và đẹp mắt nhất”.

Ngập tràn niềm hạnh phúc

Cơn mưa chóng tạnh, trời hửng nắng, tới khoảng 8 giờ 45, từng khối diễu binh, diễu hành hùng dũng, oai phong tiến vào sân vận động tỉnh Điện Biên, qua lễ đài, rồi tỏa ra nhiều đường phố của TP Điện Biên Phủ trong sự hò reo, vui mừng của hàng vạn người dân. Trong dòng người có những cụ ông, cụ bà tóc đã bạc trắng, chân run, tay yếu nhưng khi được thấy sự hùng dũng, mạnh mẽ của các khối diễu binh, diễu hành ai cũng cảm thấy vui mừng, rạng rỡ.

H2c.jpg
Thanh niên tỉnh Điện Biên xuống phố hòa cùng dòng người xem diễu binh, diễu hành. Ảnh: GIA KHÁNH

Cầm lá cờ đỏ sao vàng trên tay, ông Đặng Đức Hiệp (75 tuổi, cựu chiến binh tỉnh Thái Bình) tâm sự, nguyện vọng được lên với Điện Biên đã hoàn thành và càng ý nghĩa hơn khi được chứng kiến một buổi lễ diễu binh kỷ niệm hoành tráng và hào hùng như vậy... “Hôm nay không khí hào hùng, xúc động quá!”, ông Hiệp nói. Trong khi đó, cựu chiến binh Trần Đức Diệu (75 tuổi, quê tỉnh Tuyên Quang) hồ hởi: “Chúng tôi là những cựu binh từng chiến đấu ở các mặt trận khác nhau, nay về với Điện Biên tất cả đều rất phấn khởi và hạnh phúc, không khí hào hùng như những gì xưa kia chúng tôi chiến đấu”.

Đây là lần đầu tiên đến Điện Biên, ông Mai Quốc Nam (63 tuổi, nhà ở quận 1, TPHCM, từng là thợ máy tàu của Hải đoàn Chiến thắng thuộc Sở Thủy sản TPHCM) tâm sự, ba tôi là bộ đội kháng chiến chống Pháp, bị thương cụt mất cánh tay, sau bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Nhờ có Chiến thắng Điện Biên Phủ, sau đó ký kết Hiệp định Genève 1954, người Pháp trao trả tù binh ba tôi mới được về nhà, sau đó tập kết ra miền Bắc. Chứng kiến lễ diễu binh, diễu hành, ông Nam khẳng định, đây là một ngày hội lớn của cả nước, không riêng của Điện Biên.

Năm nay đã 91 tuổi nhưng Đại tá Nguyễn Văn Vỵ, Trưởng Ban liên lạc Đoàn Cựu chiến binh 3 chiến dịch lịch sử Việt Nam cùng với các đồng đội lên tới Điện Biên dịp này không khỏi bồi hồi khi mảnh đất Tây Bắc ngày càng thay da, đổi thịt, phát triển mạnh mẽ. “Chứng kiến sự phát triển của Điện Biên, tôi và anh em rất mãn nguyện. Đây là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền, quân và dân nơi đây, tất cả đã không phụ xương máu, hy sinh của đồng đội tôi năm xưa”, Đại tá Nguyễn Văn Vỵ tâm sự.

Tin cùng chuyên mục