Qua 19 tác phẩm ở dạng video clip lọt vào chung khảo, tiếng Việt của trẻ em gốc Việt còn giữ nguyên giọng điệu vùng miền, trở nên sinh động hơn, tạo cảm xúc vừa nhớ nhung vừa gần gũi. Nghe cô bé Lynh Mai Moneyn, 14 tuổi (Bỉ), nói, vì Covid-19 mà 2 năm không được về Việt Nam và rất nhớ phở, bỗng thấy vị phở như thơm ngon hơn hẳn.
Cách sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ em xa xứ cũng thật dễ thương: “Lúc cháu ốm, mẹ cũng nấu phở cho ăn. Mẹ bảo phở tốt cho người ốm. Việc đầu tiên khi được về quê là cháu đi ăn phở. Cứ đợi để về Việt Nam ăn phở, cứ thèm lắm ạ!”.
Chỉ trong vòng gần 2 tháng phát động và trao giải cuộc thi, ban tổ chức bất ngờ vì được các thí sinh và gia đình gốc Việt từ châu Úc, châu Âu, châu Á... hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Có lẽ ý tưởng cuộc thi cũng là cách hiệu quả trong học và khuấy động phong trào giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài thông qua ẩm thực.
Để tạo ra không gian trò chuyện trong khuôn khổ bài thi dài không quá 7 phút, các thí sinh đã chọn cách quây quần bên mâm cơm, vào bếp nấu món Việt. Trong khi bố quay phim thì mẹ vừa chuẩn bị nguyên liệu vừa nói tiếng Việt với con. Hai anh em Zeno Hùng Anh Caroen (10 tuổi) và Ilias Hoàng Anh Caroen (7 tuổi) ở Bỉ còn được mẹ giúp ngâm gạo, ướp thịt, vo đậu, rửa lá để gói bánh chưng dự thi.
Từ đây khán thính giả được nghe những câu chuyện ngộ nghĩnh như bé Haico, mới 3 tuổi khoe biết tiếng Việt, tức là biết nói “Chúc ăn ngon”; Jolien Lybaert 5 tuổi cứ ra nhà hàng là gọi món “ăn cơm ạ”. Sinh ra và lớn lên ở Singapore nhưng khả năng biết tiếng Việt của cậu bé Sam Lê đủ để vặn vẹo mẹ: “Mắm làm từ tôm thì gọi mắm tôm. Thế nước mắm làm từ cá phải gọi là mắm cá chứ sao gọi nước mắm?”.
Khán giả xem clip không khỏi bật cười khi bé Eva Tường Vy 8 tuổi ở Pháp biết nói vui: “Món xôi mặn thì mặn quá. Chả giò nhiều dầu quá. Bò né là vừa bò vừa né đó hả”. Món Việt cũng được đặt lại tên mới theo hoàn cảnh. Hai chị em Mai Vy 10 tuổi và Lan My 5 tuổi ở Pháp đặt lại tên cho bánh xu xê là bánh núng nính “chạm tay vào cứ núng na núng nính”. Chững chạc như Tommy Đoàn Vũ Tuấn Minh 13 tuổi (Pháp) còn biết làm giàu vốn từ bằng cách học và sử dụng luôn cả ngôn ngữ vùng miền, món bánh patesô dự thi của Minh có thêm “phiên bản làm biếng, tức là lười”.
Ban giám khảo gồm ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng của trường tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan; chef Tô Diệp, Bếp trưởng Bếp Á, Công ty Christopher Woods, catering and events tại Canada và Nguyễn Quang Hải, thành viên của kênh Việt happiness station, đồng sáng lập diễn đàn “Cùng con đọc sách Việt” tại Pháp đã dành cả tháng xem từng video clip, tìm hiểu kỹ thông tin từng thí sinh để chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất.
Thí sinh Vũ Tuệ Minh tại Đức với bài thi Món Việt rất sáng tạo đã được cả ba giám khảo nhất trí cao, chọn trao giải nhất chung cuộc trị giá 300 EUR. Mới 10 tuổi, Tuệ Minh đã học lớp 6, tư chất thông minh, tiếp thu nhanh và việc học tiếng Việt của Tuệ Minh cũng đặc biệt. Mẹ của em không có thời gian dạy đánh vần, chỉ đọc truyện cho con nghe và Tuệ Minh cứ thế nhại theo, tự học là chính. Tuệ Minh nhận ngay ra tính sáng tạo trong món ăn Việt, chỉ món phở thôi có thể thay đổi nguyên liệu và cách chế biến để làm thành phở bò chín, phở bò tái, phở gà... Chị Lê Thu, mẹ của Vũ Tuệ Minh, tâm sự: “Nhóm kênh Việt happiness station giỏi truyền bá thông tin cũng như rất biết động viên người lớn và trẻ con “vào cuộc”. Cháu Tuệ Minh đang đúng tuổi thích “vươn lên” làm người lớn, chưa biết sợ thất bại nên những hoạt động mới mẻ như thế này, cháu rất hào hứng tham gia”.