Từ GATT đến WTO

GATT ra đời sau Đại chiến Thế giới lần thứ 2. Với ý tưởng hình thành những nguyên tắc, thể lệ cho thương mại quốc tế, 23 nước sáng lập GATT đã cùng nhau tiến hành các cuộc đàm phán về thuế quan và xử lý các biện pháp bảo hộ mậu dịch, nhằm thực hiện mục tiêu tự do hóa mậu dịch, mở đường cho kinh tế và thương mại phát triển, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân các nước thành viên.

Sau vòng đàm phán thuế đầu tiên với kết quả là 45.000 ưu đãi về thuế được áp dụng giữa các bên tham gia, chiếm khoảng 1/5 tổng lượng mậu dịch thế giới, 23 nước sáng lập đã cùng nhau ký kết Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), chính thức có hiệu lực vào tháng 1-1948.

Từ đó tới cuối thế kỷ 20, GATT đã tiến hành 8 vòng đàm phán, thời gian đầu chủ yếu về thuế quan. Đặc biệt, tại vòng đàm phán thứ 8 diễn ra tại Urugoay (1986 - 1994), do thương mại quốc tế không ngừng phát triển, số thành viên tăng lên, GATT đã mở rộng phạm vi đàm phán không chỉ về thuế quan mà còn xây dựng các vấn đề khác...

Do diện điều tiết của hệ thống thương mại đa biên được mở rộng, chiếc áo của GATT không còn thích hợp. Theo đó, quy tắc cho phép của GATT không chặt chẽ, khi thực hiện có nhiều khe hở rất lớn, có một số quy tắc thiếu sức ràng buộc về pháp luật; một số nước ký kết hiệp định đã vi phạm nguyên tắc của GATT, không có biện pháp xử về mặt pháp luật, dẫn đến các tranh chấp thương mại quan trọng không có cách giải quyết.

Vì vậy, ngày 15-4-1994, tại Marrakesh (Marốc), kết thúc vòng đàm phán Uruguay, các thành viên của GATT đã cùng nhau ký hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm kế tục và phát triển sự nghiệp của GATT. WTO chính thức được thành lập, độc lập với hệ thống Liên hợp quốc và đi vào hoạt động từ 1-1-1995, trở thành tổ chức quốc tế duy nhất quản lý luật lệ giữa các quốc gia trong thương mại quốc tế.

Về cơ bản, mục tiêu của WTO nhằm hướng đến nâng cao mức sống, phát triển bền vững, đảm bảo các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển duy trì tỷ lệ tăng trưởng trong thương mại…

Mục tiêu của WTO được ghi nhận tại lời mở đầu của Hiệp định thành lập WTO như sau: “Các bên ký kết hiệp định này thừa nhận rằng: tất cả những mối quan hệ của họ (tức các bên ký kết thành lập WTO) trong lĩnh vực kinh tế và thương mại phải được thực hiện với mục tiêu nâng cao mức sống, đảm bảo đầy đủ việc làm và một khối lượng thu nhập và nhu cầu thực tế lớn và phát triển ổn định; mở rộng sản xuất, thương mại hàng hóa và dịch vụ, trong khi đó vẫn đảm bảo việc sử dụng tối ưu nguồn lực của thế giới theo đúng mục tiêu phát triển bền vững…”.

C.L. tổng hợp

Tin cùng chuyên mục