Cũng có khi không phải để mua mà vào đó để được sống lại không gian ấm cúng của sách và tìm lại kỷ niệm hồi còn thơ ấu. Đường sách Vũng Tàu chính là một nơi như thế và là nơi hình thành các ý tưởng nhân văn của giới yêu sách như ATM sách Chia sẻ…
Vừa nhấp một ngụm trà ô long trong không gian ấm cúng Phi Long Tea cuối đường sách, anh Trương Quang Hòa (Trưởng Ban Quản lý Đường sách Vũng Tàu) cho biết, đường sách do Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn làm chủ đầu tư với số vốn xây dựng khoảng 10 tỷ đồng, được thi công tốc hành trong 40 ngày để kịp khai trương vào dịp Hội Hoa xuân Vũng Tàu 2018 - đúng ngày 27 Tết (12-2-2018), do lạ nên thu hút rất đông khách ghé thăm. Đường sách hiện có 19 gian hàng (kios) được thiết kế vừa xinh xắn, vừa hiện đại nằm khép mình bên công viên nhiều cây xanh tỏa bóng mát, là nơi lui tới thường xuyên cho người dân phố biển lẫn du khách.
Liếc qua một lượt, chúng tôi thấy đường sách có mặt nhiều tên tuổi của giới xuất bản sách như Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, NXB Kim Đồng, Nhà sách Hoàng Cương... Ban quản lý thường xuyên phối hợp với các đơn vị kinh doanh tổ chức các hoạt động bổ trợ như hàng tháng có tổ chức sân chơi cho thiếu nhi, lồng ghép sách với mỗi tháng một chủ đề: Tháng 9 có phiên chợ mùa thu phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo, lang thang cơ nhỡ, biểu diễn múa lân; tháng 10 có lễ hội hóa trang Haloween; tháng 11-12 thì tri ân thầy cô…
Với người yêu sách thật sự, đến đường sách chỉ với một mục đích tìm sách để mua đọc, đã có gian sách của Nhà sách Hoàng Cương nằm ở giữa đường sách. Anh Hoàng Cương vốn quê Nghệ An, vào Vũng Tàu năm 1993, bắt đầu làm quen với công việc bán sách cũ bên lề đường và nhờ bén duyên với nghề sách nên ít năm sau anh đã tích góp được ít vốn liếng để mở nhà sách mang tên mình trên một con đường sầm uất của thành phố biển. Anh tâm niệm: “Mình làm sách 25 năm nay, thấy phải có trách nhiệm với văn hóa đọc, không để nó xuống quá. Có một thực tế là lượng người đọc sách đang giảm đi nhanh chóng”. Từ suy nghĩ đó, anh đã mạnh dạn thuê một gian hàng ở đường sách chỉ chuyên bán sách, phục vụ cho người yêu sách và đáng mừng là vẫn có một số độc giả ra nhà sách thường xuyên “xem có cuốn gì mới để không bỏ sót cuốn sách hay”. Anh Cương cũng đang có một thư viện với khoảng 10.000 đầu sách cho người đọc mượn đọc miễn phí trong một tuần.
Mô hình sách, cà phê và trà
Nằm ngay đầu đường Ba Cu, giao với đường Trần Phú, ngay khu vực bãi Trước, gần bên Nhà truyền thống cách mạng TP Vũng Tàu - vốn là tòa biệt thự bề thế có kiến trúc Pháp đặc sắc, kế đó nữa là Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xây dựng với số vốn hàng trăm tỷ đồng với nhiều bộ sưu tập đồ cổ có giá trị, nên Đường sách Vũng Tàu có được vị trí đắc địa bậc nhất ở thành phố biển. Nhưng không phải vì thế mà việc kinh doanh sách thuận lợi khi mà xu thế lướt web, đọc mạng xã hội đang lấn át văn hóa đọc truyền thống.
Do đó, để có thể trụ được đến hôm nay, theo anh Trương Quang Hòa, Ban quản lý Đường sách cũng đã phải thay đổi phương thức kinh doanh so với ban đầu: “Nếu lúc đầu quá tập trung vào sách thì người đến lưa thưa, NXB không thể trụ được lâu dài như Công ty Phương Nam có 4 gian hàng sách, sau vài tháng đã phải rút lui khiến trống gian hàng trong một thời gian, buộc Ban quản lý phải tính đến việc cho mở các gian hàng chuyên bán cà phê hoặc vừa bán sách vừa kinh doanh cà phê, nước giải khát, trà sữa”. Trong số 19 gian hàng có 2 gian đầu tiên có không gian lớn nhất (diện tích 110m2/gian), mặt tiền giáp với đường Trần Phú, được bố trí chuyên bán cà phê để khai thác vị trí đắc địa view biển cho người dân thành phố và du khách. Mặc dù có đôi chút khó khăn về nguồn khách nhưng Ban quản lý vẫn bố trí gian cuối sâu vào phía trong chuyên phục vụ trà đạo, khách đến có thể ngắm những bộ sưu tập bình trà gốm sứ (trong đó có gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội) và thưởng thức trà, ngắm những giò phong lan để tạo cho mình những phút giây thư thái.
Mô hình kinh doanh mới này tỏ ra phù hợp với vị trí đắc địa của Đường sách Vũng Tàu, vì khách đến đây, nhất là giới trẻ, có khi không mua sách mà đến để nhâm nhi ly cà phê ngắm biển, để cùng “tám” một, hai giờ đồng hồ với bạn bè mà không ngại ngần (với gian hàng chỉ bán sách thì không thể ngồi lâu). Tuy vậy, nếu không có những gian hàng sách thật sự dành cho người yêu sách như của anh Hoàng Cương thì Đường sách Vũng Tàu không thể làm nên hình hài. Với những ai thường lui tới các cửa hiệu sách cũ ở đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp, TPHCM), đường Trần Nhân Tôn (quận 5, TPHCM) thì dễ dàng nhận ra chất văn hóa bụi bặm rất gần gũi của những ông chủ cửa hàng sách mê đọc sách như anh Cương.
Tủ sách Chia sẻ
Với nhiều hoạt động văn hóa được lồng ghép cùng mô hình kinh doanh kết hợp giữa sách, cà phê, trà và giải khát, 2 năm qua Đường sách Vũng tàu đã có nhiều nỗ lực để duy trì, để bồi dưỡng văn hóa đọc, duy trì thói quen ghé gian hàng sách cho người dân phố biển, nhất là thanh thiếu niên. Nhưng để trụ lại được lâu dài thì cũng còn nhiều trăn trở và đang cần cơ chế chính sách như ưu đãi giá thuê hoặc miễn thuê đất cho các chủ gian hàng.
Tuy nhiên, điều cần nhất chính là tấm lòng với sách và ý tưởng để tạo sức sống cho đường sách. Anh Hoàng Cương ấp ủ ý tưởng lập Tủ sách Chia sẻ như mô hình ATM gạo vì cộng đồng. Theo đó, sau khi đọc xong, người ta sẽ để lại vào tủ sách “Sách Chia sẻ không bán”, ai có nhu cầu lấy đọc và khi đọc hết ra đổi cuốn khác và không được lấy nhiều; ai muốn lấy nhiều thì mang sách cũ ra đổi để cho người khác có sách đọc với tinh thần “vì cộng đồng”.
Cũng với ý muốn tạo văn hóa đọc cho thiếu nhi, vào giữa tháng 3-2020, anh Cương đã tổ chức bán đấu giá 3 cuốn sách ấn bản đặc biệt, gồm: Kiêu hãnh và định kiến, Anh em nhà Karamazov, Bố già được hơn 10 triệu đồng, anh dùng số tiền này mua 384 cuốn sách của NXB Kim Đồng. Ngay sau đó, thông tin được đăng trên Facebook Tủ sách Chia sẻ: “Số sách này được trưng lên kệ sách. Các bậc phụ huynh và các em nhỏ có thể lấy về sử dụng mà không phải hoàn trả hay chịu bất cứ khoản phí nào”. Đây quả là một món quà ý nghĩa cho các em thanh thiếu nhi của thành phố biển trong thời gian giãn cách xã hội, trường học tạm đóng cửa do dịch Covid-19. Và đây cũng là một đóng góp thầm lặng của Nhà sách Hoàng Cương cùng cả nước chung sức phòng chống dịch Covid-19 một cách có hiệu quả, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Mong muốn của anh Hoàng Cương và các NXB là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp. Theo Luật Đất đai thì Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn phải thuê đất, nhưng hiện công ty đang xây dựng đơn giá cho thuê mặt bằng không có tính giá thuê đất, nếu áp dụng giá thuê cho vị trí đắc địa của đường sách thì giá thuê sẽ rất cao và các nhà sách sẽ không kham nổi. Do đó, họ đang rất mong chờ tỉnh có chính sách ưu đãi giá thuê đất cho các nhà sách để yên tâm đầu tư, gắn bó lâu dài với đường sách, qua đó tạo thêm một điểm đến văn hóa cho du khách trong hành trình đến với phố biển. |