Xem phim thấy đời
28 tập phim Anh có phải đàn ông không? vừa khép lại với một kết thúc viên mãn. Suốt chiều dài lên sóng, bộ phim nhận được nhiều phản hồi tích cực. Là phim truyền hình hiếm hoi tập trung khai thác những vấn đề về giới mày râu, 3 nhân vật chính của bộ phim mang 3 tính cách đại diện tiêu biểu.
Cùng thời điểm trên sóng VTV3 (khung 21 giờ 30 từ thứ hai đến thứ tư), phần 2 bộ phim Thương ngày nắng về cũng khiến khán giả không rời mắt khỏi màn hình với câu chuyện xoay quanh cuộc sống, số phận của những người phụ nữ.
Điểm chung của cả hai bộ phim là khiến khán giả có thể bắt gặp phần nào hình ảnh của mình trong đó. Đây cũng là chìa khóa khiến phim được truyền miệng, bình luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Trên màn ảnh rộng, bộ phim Đêm tối rực rỡ cũng gây chú ý với nhiều lời ngợi khen. Bộ phim hiện đã bán được hơn 300.000 vé với doanh thu trên 21 tỷ đồng. Câu chuyện về vấn nạn bạo hành gia đình được khai thác trực diện với rất nhiều góc tối.
Đứng ở góc độ khán giả, NSƯT Hạnh Thúy từng chia sẻ rằng, chị cảm thấy ngộp thở bởi những bi kịch dồn dập trong phim. Đồng thời, việc đào sâu đến tận cùng nỗi đau của nhân vật Xuân Thanh (Nhã Uyên) cũng khiến chị nhớ lại khoảng thời gian bản thân bị trầm cảm và có xu hướng hành hạ bản thân.
“Tôi nghĩ những người phụ nữ sẽ thấy mình đâu đó qua nhân vật Xuân Thanh”, chị bày tỏ. Vấn đề bộ phim đặt ra cũng chính là câu chuyện đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay, khi con người ngày càng chú ý nhiều hơn đến “không gian nội tâm”, đời sống tinh thần.
Cũng đề cập nạn bạo hành gia đình, Bẫy ngọt ngào còn ấn tượng hơn khi đang là phim Việt có doanh thu cao nhất năm 2022 tính đến thời điểm này.
Sắp tới đây, khán giả cũng rất trông chờ dự án về vấn đề xã hội nổi cộm - vấn nạn ấu dâm, sẽ được thể hiện như thế nào trong 578: Phát đạn của kẻ điên.
Theo biên kịch Thanh Hương: “Phim là đời, đời lên phim là đương nhiên. Nếu làm phim là phản ảnh cuộc sống, cốt lõi là xây dựng xã hội một cách tốt đẹp hơn qua thông điệp bộ phim thì sẽ chinh phục được tất cả. Dẫu còn tình trạng hơi cường điệu, nhưng thực tế cuộc sống vẫn đang được đưa vào phim khá đậm đặc. Phim truyền hình có lợi thế hơn là đưa thông điệp đến nhiều người một cách miễn phí. Do đó không thể nói nó không lợi hại hơn phim điện ảnh”.
Chắt lọc
Nhiều nhà làm phim có chung quan niệm, dù là phim giải trí, thương mại nhưng đều phải đảm bảo giá trị nghệ thuật và quan trọng hơn, có thông điệp rõ ràng, nhân văn. Một bộ phim thành công là khi tìm được sợi dây đồng cảm, chạm đến trái tim khán giả. Nhưng, để hiện thực hóa điều đó, đòi hỏi rất nhiều sự quan sát, chắt lọc từ thực tế cuộc sống.
Theo nhà sản xuất Nhã Uyên (phim Đêm tối rực rỡ), toàn bộ nhân vật trong phim - từ người bố bạo hành, người mẹ thỏa hiệp cho đến 3 người con, các đứa cháu, con dâu… đều được chị chắt lọc từ trải nghiệm bản thân, những câu chuyện của bạn bè, người thân xung quanh. Chính những cảm giác ám ảnh luôn nằm trong tâm trí khiến Nhã Uyên càng có thêm động lực, mục tiêu để bộ phim được thành hình.
Nhà biên kịch Mỹ Hà lại chọn cách từ chối những dự án đơn giản, chỉ chạy theo thị hiếu riêng biệt để mang về lợi nhuận - như những đề tài nóng bỏng, sexy, bạo lực một cách trực diện. Chị phân tích: “Nếu bạn để ý kỹ những tác phẩm sống mãi theo thời gian hay những tác phẩm quảng cáo có sức lan tỏa nổi tiếng thì đều ẩn chứa trong đó những giá trị nhân văn”.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng, ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nhà làm phim cần giỏi hai thứ: triết học và xã hội, để có thể lựa chọn đề tài và kể bộ phim theo cách trơn tru, gần gũi nhất.
Khi quyết định chọn đề tài liên quan đến vấn đề trầm cảm, đạo diễn Khoa Nguyễn (phim Người lắng nghe: Lời thì thầm) từng đặt ra trăn trở rằng, những bộ phim anh làm ra nếu không thể giúp người xem có những cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống thì việc làm phim liệu có ý nghĩa gì?
Còn theo đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Tôi luôn muốn truyền tải năng lượng tích cực đến khán giả qua mỗi bộ phim, chứ không muốn họ có cảm giác bí ẩn, u ám hay trăn trở sau khi xem phim. Mỗi bộ phim phải tiếp thêm năng lượng cho người xem, đưa họ vào thế giới đó và khi trở ra mỗi người sẽ có thêm niềm vui, sự lạc quan”.
Riêng Nhà sản xuất Nhã Uyên tin rằng, cảm giác rực rỡ bộ phim mang lại sẽ khiến khán giả đồng cảm, như một lời động viên để những nạn nhân của bạo hành cảm thấy được chữa lành đôi phần.
Biên kịch Thanh Hương cho hay: “Khó khăn lớn nhất là nhà đài duyệt các chi tiết phim không mấy dũng cảm, hay bác bỏ hoặc chỉnh sửa các chi tiết đắt giá nhắm thẳng vào vấn đề xã hội. Đây là một cản trở lớn đối với đội ngũ biên kịch và giới làm phim cần sự thấu hiểu của nhà quản lý, nhà đài”. |