Dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực
Thái Lan là một trong những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ khá sớm: năm 1992.
Trong số các DN Thái “xông đất” Việt đầu tiên, phải kể đến Công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV). Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1993, hiện CPV nắm giữ hơn 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp, 22% thị phần thịt gà công nghiệp, 18% thị phần thức ăn chăn nuôi.
Công ty CP trong Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: CAO THĂNG
Là nhà phát triển công nghiệp lớn của châu Á, năm 1994, Tập đoàn Amata đã đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Amata tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) trên diện tích 700ha, với tổng vốn tính đến nay đã lên đến hơn 1,9 tỷ USD. Năm 2012, Amata tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với dự án Amata Express City 1.285ha tại Long Thành (Đồng Nai): 410ha dành cho khu công nghiệp công nghệ cao; phần còn lại dành cho khu đô thị dịch vụ, dân cư, trung tâm tài chính... Tổng vốn đầu tư dự án là 530 triệu USD. Trong đó, Amata nắm giữ 80,5%, còn Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Sonadezi (tỉnh Đồng Nai) góp 19,5%. Ngoài các dự án trên, Amata còn tiến ra Quảng Ninh lập dự án Future City 3.000ha (khu công nghiệp kết hợp đô thị) để thu hút các nhà đầu tư Thái.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục tập đoàn của Thái Lan đã và đang hoạt động rất hiệu quả trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Làn sóng người Thái vào Việt Nam đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Năm 2016, các DN Thái Lan cam kết đầu tư vào Việt Nam 468 dự án, với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Đến năm 2017, Thái Lan tăng lên 489 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD. Điều đáng lưu ý, con số 8 hay 9 tỷ USD tuy là khoản đầu tư không nhiều so với nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Công hay Malaysia, nhưng rất hiếm có nhà đầu tư nào lại “vào sâu, bám chặt” vào nền kinh tế Việt Nam như Thái Lan. Bà Saranya Skontanarak, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Lan (TBA), khẳng định: Việt Nam đã trở thành nơi đầu tư trọng tâm của các DN Thái Lan.
Tăng cường thâu tóm DN qua các thương vụ M&A
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng đầu tư trong nước của Thái Lan giai đoạn 2010-2015 chỉ ở mức 1,6%/năm, trong khi đầu tư ra nước ngoài lại tăng vọt. Số liệu của Liên hiệp quốc (UN) cho thấy, đầu tư ra nước ngoài của Thái Lan từ mức 6,7 tỷ USD vào năm 2006 lên 85,6 tỷ USD vào năm 2016, tương đương mức tăng trưởng 13 lần chỉ sau một thập niên.
Với thị trường Việt Nam, để đi nhanh và đi sâu hơn, những năm gần đây, Thái Lan đã tập trung vào việc mua lại một phần hoặc hoàn toàn các DN trong nhiều lĩnh vực. Có thể kể đến các thương vụ đình đám như Tập đoàn TCC Holdings đang sở hữu nhiều khoản đầu tư ở Việt Nam, với trị giá hàng tỷ USD, từ bán lẻ, đồ uống tới bất động sản. Mới đây, thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage, ThaiBev (thuộc sở hữu của TCC Holdings) đã chi 110.000 tỷ đồng (xấp xỉ 4,8 tỷ USD) mua cổ phần để trở thành ông chủ mới của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với 53,56% vốn điều lệ. Đây là thương vụ M&A lớn nhất về mặt giá trị không chỉ với Việt Nam mà còn trên quy mô toàn châu Á trong năm qua.
Ngoài ra, thông qua F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments (2 đơn vị thuộc Tập đoàn F&N của Singapore nhưng đã bị TCC Holdings mua lại), người Thái còn nắm 19,06% vốn Vinamilk, tương đương 56.000 tỷ đồng. F&N đang không ngừng đăng ký mua thêm cổ phiếu Vinamilk để nâng sở hữu. Tương tự, tháng 12-2015, Tập đoàn Singha Group (sản xuất bia của Thái) đã chi 1,1 tỷ USD để trở thành đối tác chiến lược của Masan, thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33,3% cổ phần Masan Brewery.
Trong lĩnh vực bán lẻ, TCC Holdings đã chi 879 triệu USD để thâu tóm hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức). Từ giữa năm 2017, tập đoàn này đã thay đổi toàn bộ cách sắp xếp hàng hóa trong siêu thị, cũng như đổi tên Metro thành MM Mega Market nhằm định vị lại thương hiệu tại Việt Nam. Vào giữa năm 2016, Tập đoàn Central Group đã thắng Saigon Co.op trong việc mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại Big C Việt Nam với giá 1,05 tỷ USD. Ngoài ra, Central Group mua 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim, 49% cổ phần của Lan Chi Mart và cùng Nguyễn Kim mua 100% cổ phần của mạng thương mại điện tử Zalora. Central Group cũng chính là chủ chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam, với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TPHCM. Với việc hoàn tất thương vụ Big C, người Thái đã có trong tay 4 chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam.
Hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) hiện có hơn 20 công ty con tại Việt Nam, chuyên về vật liệu xây dựng, như xi măng, gạch ốp lát, giấy gói, hóa dầu… Một trong những thương vụ đình đám của SCG tại Việt Nam là mua lại Nhà máy Xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam), với giá gần 5.000 tỷ đồng vào cuối năm 2012.
Thương vụ gần đây nhất là Công ty Bao bì nhựa TC, thành viên của SCG, đã mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì Tín Thành. Với việc sở hữu gần 51% vốn cổ phần Nhựa Bình Minh, Tập đoàn SCG của Thái Lan chính thức trở thành ông chủ mới của DN nhựa hàng đầu tại Việt Nam.
Theo nhận định của ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nhiều DN Thái chủ yếu nhắm vào DN lớn, chiếm thị phần đáng kể trong ngành nhựa. Họ đưa ra giá mua rất hời, có khi giá bằng lợi nhuận trong 10 - 20 năm sau của DN, nên đã kích thích chủ DN đồng ý bán công ty. Việc này cũng là điều dễ hiểu. Thông thường, một DN ngành nhựa mất khoảng 15 - 20 năm để trưởng thành, thì thông qua M&A, DN Thái đã rút ngắn thời gian xuống từ 6 tháng đến 1 năm và họ có ngay chỗ đứng vững mạnh tại Việt Nam.