Từ đảo lên bờ

Vào tuần tới, nhiều thế hệ tộc người Guna lớn lên ở Gardi Sugdub (tên gốc là Cartí Sugtupu) sẽ di dời lên đất liền. 300 gia đình này là cộng đồng đầu tiên trong số 63 cộng đồng sống dọc theo bờ biển Caribe và Thái Bình Dương của Panama mà giới chức và các nhà khoa học dự đoán sẽ buộc phải dời đi do mực nước biển dâng cao.

Các nhà chức trách đang giao chìa khóa những ngôi nhà mới trên đất liền cho 300 hộ gia đình với gần 1.800 người di dời từ đảo. Tuy nhiên, một quan chức của Bộ Nhà ở Panama cho biết, cũng có một số người đã quyết định ở lại hòn đảo tới khi nó không còn an toàn, bởi việc dời đi này không phải là bắt buộc.

Nhìn từ trên cao, hòn đảo trông giống một hình bầu dục với chi chít nhà cửa, được bao quanh bởi hàng chục bến tàu nhỏ tua tủa như gai nhọn để cư dân neo đậu thuyền. Hàng năm, nhất là khi có gió mạnh vào các tháng 11 và 12, nước dâng ngập đường sá trên đảo và tràn vào nhà. Biến đổi khí hậu không chỉ dẫn đến mực nước biển dâng cao mà còn tạo ra những cơn bão mạnh hơn do nước biển ấm lên.

Gardi Sugdub là một trong số khoảng 50 hòn đảo đông dân cư thuộc tỉnh Guna Yala, dài khoảng 366m và rộng 137m. Hai thập niên trước đây, chính quyền tỉnh Guna đã nghĩ tới việc di dời cư dân trên đảo, nhưng là do nó quá đông đúc chứ chưa hẳn vì nước biển dâng.

G8b.jpg

Dự án tái định cư đảo Gardi Sugdub được Bộ Nhà ở Panama đưa ra năm 2015, đến năm 2017 thì phải tạm ngưng vì thiếu vốn và gần đây được tái khởi động. Hiện dự án đã hoàn tất 99%. Bắt đầu từ tháng 6 năm nay, hơn 300 hộ dân trên đảo Gardi Sugdub, chủ yếu là người dân tộc Guna, sẽ được đưa lên sống trên đất liền, ở một khu tái định cư được đặt tên là Nuevo Cartí.

Evelio López, một giáo viên trên đảo, cho biết, biến đổi khí hậu đã củng cố mạnh mẽ cho ý tưởng di dời đó. López dự định cùng người thân chuyển đến địa điểm mới trên đất liền mà chính phủ đã phát triển với chi phí 12 triệu USD. Khu này gồm những căn nhà bê tông, có mạng lưới đường sá trải nhựa với rừng nhiệt đới tươi tốt bao quanh.

Khu nhà ở mới của cư dân đảo cách bến cảng gần 2km và chỉ mất 8 phút để đi thuyền đến Gardi Sugdub. López cho biết rời đảo là một thử thách lớn bởi đã hơn 200 năm nay, văn hóa của họ đều gắn liền với biển, điều này đồng nghĩa với việc từ bỏ các hoạt động kinh tế mà họ có trên đảo và chuyển về ở trong rừng. Tác động đến kế sinh nhai về lâu dài vẫn là một bài toán còn bỏ ngỏ.

Đảo này, và nhiều đảo khác dọc theo bờ biển, đã hưởng lợi từ hoạt động du lịch trong nhiều năm. Vì vậy, thách thức lớn nhất đối với những người dời đi là phải thay đổi lối sống khi di chuyển từ biển vào đất liền, dù khoảng cách tương đối ngắn.

Steven Paton, Giám đốc chương trình giám sát vật lý của Viện Smithsonian ở Panama, cho biết, động thái này là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu thông qua mực nước biển dâng cao. Các hòn đảo chỉ cao hơn mặt biển 0,5m, và khi mực nước tăng lên, sớm muộn thì người Guna cũng phải từ bỏ mọi hòn đảo khác, trễ nhất vào cuối thế kỷ. Một nghiên cứu gần đây ước tính tới năm 2050, Panama sẽ mất khoảng 2,01% lãnh thổ ven biển do nước biển dâng cao và nước này ước tính sẽ tốn khoảng 1,2 tỷ USD để di dời khoảng 38.000 cư dân.

Tin cùng chuyên mục