1. “Anh Hòa ơi, dậy đi tập thể dục nè”, “Nay trời nắng to đây, không đi sớm là chút nắng nóng lắm”… Mới hơn 5 giờ sáng, đoạn đường dọc bờ kênh Tham Lương phía khu phố 3, phường 13 (quận Gò Vấp) đã rộn tiếng nói cười của người dân đi tập thể dục buổi sáng.
Từ ngày có đoạn đường gần 1km rộng rãi, sạch sẽ, có công viên dọc bờ kênh, bộ mặt của hàng trăm hộ dân các tổ dân phố 19, 23, 25 thay đổi hẳn. Thế nhưng, như ông Nguyễn Đức Hiếu, Trưởng khu phố 3, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Hợp An, cho hay, trước kia đoạn đường này đất đỏ lầy lội, “ổ trâu”, “ổ gà” rất khó đi lại. Xắn tay vào việc, đầu tiên, ông Hiếu vận động các hộ có điều kiện, nhà mặt tiền kênh đóng góp, ai có gì góp nấy. Còn hộ dân trong các con hẻm, ông vận động nhà hảo tâm và các ông trùm họ đạo trong giáo xứ.
Buổi sáng trên tuyến đường mới dọc kênh Tham Lương do người dân đóng góp xây dựng |
“Tôi phụ trách 6 giáo họ, mỗi giáo họ có 3 ông trùm và 2 tổ trưởng dân phố. Cứ rỉ rả vận động, góp từng chút, từng chút một vậy đó. Khu vực không có nhà dân thì tôi vận động cha Chánh xứ nhà thờ và giáo dân góp vào đã được hơn 100 triệu đồng và mấy tấn xi măng, mấy xe đá”, ông Hiếu nói.
Là người ngoài Đảng, ông Hiếu xin được dự các cuộc họp chi ủy và chi bộ khu phố để thuyết phục cho chủ trương làm suốt tuyến. Được sự ủng hộ và trực tiếp chỉ đạo của chi bộ khu phố, 150m tiếp theo, rồi 200m, 300m giáp với khu phố 2 chỉ một thời gian ngắn đã hoàn thành, nối toàn tuyến đường. Nhẩm tính tổng trị giá tuyến đường gần 1km đã làm được, ông Hiếu nói: “Tính luôn 4 cụm công viên, vườn hoa dọc bờ kênh là gần 2 tỷ đồng, đều của dân đóng góp hết đấy”.
Tại khu phố 8, phường 15 (quận Gò Vấp) có một con đường dài hơn 200m từ bờ kênh Tham Lương dẫn vào các tổ dân phố 56, 57, 58 được đầu tư gần 1 tỷ đồng từ sức dân đóng góp. Ông Nguyễn Văn Mai, Trưởng khu phố 8, giới thiệu với chúng tôi ông Chín, người đầu tiên trong khu phố đi đầu góp sức với hơn 100 triệu đồng.
Ông Chín nói: “Khi chi hội Cựu chiến binh khu phố vận động, thấy được lợi ích của con đường là tôi tham gia ngay”. Khu vực này trước kia là hầm hố, vũng nước sình lầy. Gần 1.000 hộ dân các tổ dân phố bên trong muốn ra đường ngoài này phải đi vòng qua các hẻm của quận 12.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông rộng 8m, ông Chín cho hay: “Đường của dân, do dân đóng góp cả đấy. Tôi bỏ ra công cán, xe ủi lấp đất, làm nền đường, các hộ chủ đất xung quanh hiến đất, góp tiền, góp vật liệu, hơn 2 tháng sau là xong, khánh thành cho dân đi”.
2. Giữa tháng 4-2023, chúng tôi trở lại đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức, TPHCM), người dân hai bên đường của dự án cầu Nam Lý (phường Phước Bình và Phước Long B) đã tháo dỡ vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Những ngày này, giao thông qua khu vực cầu Nam Lý vẫn ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm, nhưng tâm lý của người dân có phần khác.
Người dân phấn khởi khi cầu Nam Lý vừa được tái thi công |
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ráng (ngụ phường Phước Long B) cùng lớn lên ở khu vực này, không giấu được niềm vui dù gia đình ông thuộc diện giải tỏa trắng. Bà Nguyễn Thị Kim Hương (vợ ông Ráng) kể: “Từ bữa công trình thi công trở lại, ổng vui ra mặt vậy đó. Mỗi ngày ổng ra coi mấy chặp, xem người ta làm tới đâu, máy móc thiết bị đã chuyển đến hết chưa. Lúc công trình bị “đắp chiếu”, ổng buồn dữ lắm, kêu tưởng đâu sẽ không kịp được nhìn cảnh đường sá khang trang”.
Ông Ráng tâm sự, sinh ra và lớn lên ở đây, giờ tuổi đã về già, ông vẫn gắn bó với nơi này dù chỉ còn ít ngày nữa ông sẽ phải bàn giao nhà để đơn vị thi công tiến hành xây dựng. Gần 65 năm chứng kiến những đổi thay của khu vực cầu Nam Lý, ông đặt vào đó nhiều kỳ vọng.
Theo lời kể của ông Ráng, ngày trước người dân khu vực này sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, mà mỗi năm cũng chỉ được một vụ, cuộc sống rất khó khăn. Sau giải phóng, nhà nước mới làm cống đập ngăn mặn, đồng thời có cây cầu kết nối với bên kia (khu Tân Lập thuộc phường Phú Hữu ngày nay - PV) nên bà con trồng lúa từ 1 vụ/năm thành 3 vụ/năm, giao thông thuận lợi, đời sống người dân cũng bớt khó khăn.
Tháng 10-2016, dự án cầu Nam Lý được khởi công trong niềm hân hoan, phấn khởi của hàng trăm hộ gia đình ở khu vực này. Nhưng mấy năm trời, hai bên cầu, đường sá đã khang trang còn cây cầu được thi công dang dở rồi… nằm im lìm. Người dân rơi vào tình cảnh bán nhà đi nơi khác không được, ở cũng không xong, cửa nhà thì xập xệ, nhếch nhác. Giờ công trình tái thi công, người dân chỉ mong dự án sớm hoàn thành để bộ mặt của khu vực cầu Nam Lý sớm được cải thiện.
Nói đến dự án tái khởi công cầu Nam Lý, ông Nguyễn Xuân Sắc, một hộ dân có 100m² đất bị ảnh hưởng, góp vui: “Phấn khởi lắm cô ơi. Cô thấy không, đầu này và đầu kia, đường rộng quá chừng, tự dưng đoạn này thắt lại. Cũng vì dự án bị “treo” mà khu này không xây sửa hay kinh doanh được trong khi xung quanh đường sá sáng trưng, kinh doanh sầm uất. Giờ TP Thủ Đức thi công lại cầu Nam Lý, chúng tôi vui lắm, động viên nhau chịu cực để ít bữa nữa có cầu mới thì cũng đáng”.
Niềm vui chung của bà con khu vực cầu Nam Lý là vậy. Cầu được tái thi công, cuộc sống của bà con lại có thêm những tia sáng. Ai cũng mong chỉ nay mai sẽ không còn rào chắn, không còn những lùm cây um tùm giữa đường phố, cây cầu dang dở kia sẽ được kết nối, thông suốt tuyến đường và việc kinh doanh buôn bán của bà con lại sầm uất.
Tại TPHCM, còn rất nhiều công trình, phần việc từ dân và vì dân, đem lại hiệu quả thiết thực. Quận 7 hoàn thành, đưa vào sử dụng 3 cây cầu dân sinh tại các phường Phú Thuận, Phú Mỹ và Tân Hưng.
Ngoài xây cầu, mở rộng đường cho dân đi lại, quận 7 còn thực hiện chương trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm” 33 công trình khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh rạch, xóa ngập gắn với chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu vui chơi giải trí, công viên, vườn hoa, tiểu cảnh. Tổng kinh phí thực hiện hơn 20 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, ngân sách Nhà nước và đóng góp của nhân dân.
Tại quận 10, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội triển khai chương trình chăm lo an sinh xã hội với 12 mô hình giúp dân mưu sinh, thoát nghèo, vượt qua tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng nguồn hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng, trong đó huy động trong dân được gần 5 tỷ đồng.
* Đồng chí TRẦN VĂN KHUYÊN, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, TPHCM:
Lấy sức dân lo cho dân
Hiện nay, tiềm năng và dư địa phát triển của huyện là rất lớn. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì khó thực hiện được các dự án phát triển trong tương lai. Nhiều năm qua, huyện chủ trương mở rộng các mô hình, hình thức hợp tác đa dạng, trong đó đặc biệt chú trọng đến huy động nguồn lực đầu tư từ trong dân.
Điển hình là phong trào hiến đất làm đường, mở hẻm trong các khu dân cư với hơn 72.000 hộ dân hiến 605.023 m² đất, tổng trị giá 940 tỷ đồng. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới của nhiều địa bàn khó khăn.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, huyện phát động thực hiện công trình “50 tuyến hẻm thống nhất” từ sự đóng góp, đồng hành tham gia của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Qua đó, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Hóc Môn văn minh, nghĩa tình, trở thành đô thị sinh thái.
Cũng từ phương thức, cách làm “Lấy sức dân lo cho dân”, hoạt động chăm lo, hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội đã thu hút hàng vạn lượt người dân tham gia vào các chương trình trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, học bổng, sổ tiết kiệm, phương tiện sinh kế, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi…
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị trong huyện quan tâm với nhiều phương thức, cách làm huy động được nguồn lực lớn trong dân, tạo thành một phong trào sâu rộng.
* Đồng chí LÊ BÁ HƯNG, Phó Bí thư Đoàn Học viện Cán bộ TPHCM:
Nhiều gam màu sáng cho sự phát triển của thành phố
Kinh tế TPHCM 3 tháng đầu năm 2023 có nhiều khó khăn, lãnh đạo TPHCM cũng đã nhận diện những khó khăn đó và tập trung bàn các giải pháp để tháo gỡ. Mặc dù trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng thành phố vẫn có nhiều điểm sáng cho sự phát triển.
Nhiều dự án vốn bị tắc nghẽn nhiều năm, nay đã được khơi thông và tái thi công. Chẳng hạn như cầu Nam Lý (TP Thủ Đức) được tái khởi công sau gần 7 năm “treo”. Hay nút giao thông An Phú cũng thuộc TP Thủ Đức, vừa được khởi công với kỳ vọng sẽ giải quyết được câu chuyện ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông của thành phố, tạo luồng giao thông thông suốt cho tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Từ đầu năm đến nay, nhiều công trình bệnh viện cũng đã được khánh thành, có những công trình được khởi công.
Điều đó cho thấy bức tranh chung của thành phố có nhiều gam màu tươi sáng. Tôi tin, với sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, TPHCM sẽ lấy lại được đà tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, tiếp tục dựa vào dân và chăm lo cho dân tốt hơn…