Sáng ngày 10-4, tại buổi làm việc giữa đoàn giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQ VN) TPHCM do đồng chí Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TPHCM dẫn đầu và UBND quận 12 về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn quận, bà Trịnh Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, địa phương đang xây dựng hệ thống phần mềm quản lý mầm non ngoài công lập.
Dự kiến cuối tháng 4-2018, phần mềm sẽ hoàn tất và chính thức đưa vào sử dụng nhằm thông tin một cách công khai, đầy đủ đến người dân về địa chỉ, quy mô trường, lớp, điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số, trình độ giáo viên ở tất cả cơ sở mầm non ngoài công lập.
Qua đó, người dân có thể cùng tham gia tương tác, phản ánh trực tiếp về chất lượng hoạt động cũng như kiến nghị về công tác quản lý nhà nước đối với loại hình mầm non ngoài công lập.
Phần mềm sẽ chạy trên giao diện trang web của UBND quận 12.
Lớp giữ trẻ từ 18-36 tháng tuổi tại Trường Mầm non Việt Anh (phường Tân Thới Nhất, quận 12), một trong những cơ sở mầm non ngoài công lập đạt chuẩn kiểm định chất lượng của Sở GD-ĐT TPHCM
Cũng tại buổi làm việc, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, trong tổng số 71 trường mẫu giáo, mầm non đang hoạt động trên địa bàn quận, loại hình ngoài công lập chiếm hơn 73% với 52 trường với 23.350 trẻ đang theo học. Ngoài ra, còn có 237 nhóm, lớp mầm non tư thục chia sẻ áp lực giữ trẻ trên địa bàn.
Từ tháng 11-2017 đến nay, địa phương đã đình chỉ hoạt động một trường mầm non ngoài công lập và 6 lớp mẫu giáo, mầm non do không đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ, không chấp hành quy định tổ chức hoạt động theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
Bên cạnh đó, UBND các phường cũng yêu cầu giải thể 3 nhóm lớp mẫu giáo do không đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, cấp dưỡng; xử phạt vi phạm hành chính 40 nhóm lớp do nhận giữ số lượng trẻ vượt quá quy định, giữ trẻ không đúng loại hình cấp phép hoạt động hoặc không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lý giải thêm về vấn đề này, đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, đa số các trường và nhóm lớp mầm non ngoài công lập đang hoạt động trên địa bàn quận có mặt bằng cơ sở là thuê mướn, chịu sự ràng buộc trong hợp đồng thuê, mướn với chủ nhà nên việc cải tạo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, tình hình đội ngũ đối với cả giáo viên lẫn cán bộ quản lý thường xuyên biến động gây trở ngại về công tác tổ chức. Một số nhóm lớp còn quá tải về mặt sĩ số, trẻ thiếu không gian vui chơi, sinh hoạt.
Trường Mầm non Ánh Hồng (phường Tân Thới Nhất, quận 12) có sĩ số hơn 40 học sinh/lớp
Theo kế hoạch xây dựng trường, lớp của quận 12, năm học 2018-2019, quận sẽ đưa thêm vào sử dụng một trường mầm non công lập để đáp ứng nhu cầu gởi con của người dân.