Từ cọc Bạch Đằng đến mùa Xuân khải hoàn

Câu chuyện của lịch sử không chỉ là ngày tháng năm, con người, sự kiện…, đó còn là chất liệu đầy tự hào và kiêu hãnh, để người nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm kể lại câu chuyện hào hùng bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.

Đẫm mưa hào hùng, thấm nắng lịch sử

Trưng bày cụm tác phẩm điêu khắc - sắp đặt với chủ đề Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30-4-1975 của họa sĩ Lê Hữu Hiếu, đang diễn ra tại khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM). Cụm trưng bày gồm 27 tượng, cao 3,3-4,5m; bộ tranh sơn mài dài 9,5m, cao 4m (bao gồm 18 tấm ghép lại) và đặc biệt là 30 cọc gỗ khắc thơ Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), bên ngoài phủ sơn mài, cọc cao từ 5,6-9m, tổng trọng lượng khoảng 60 tấn.

V6a.jpg
Cụm trưng bày, sắp đặt cọc gỗ khắc thơ Hịch tướng sĩ tại đường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM)

Theo giám tuyển Đỗ Tú Anh: “Đây là lần đầu tiên một tác phẩm điêu khắc sắp đặt của một tác giả ở quy mô lớn như thế này được trình diễn nơi công cộng. Với công trình nghệ thuật này, họa sĩ Lê Hữu Hiếu mong muốn mang tư duy nghệ thuật lớn kinh điển của thế giới và gieo trồng nó trên mảnh đất màu mỡ của chất liệu dân tộc, tưới đẫm nước mưa hào hùng, thấm nắng lịch sử dân tộc”.

Trong cụm đồ án Bạch Đằng, một nhân vật huyền thoại, khiến nhiều người xem chú ý là Thần Bảo Hộ, đây là một ý niệm được họa sĩ đúc kết từ tín ngưỡng đa thần cổ của dân tộc Việt Nam. Tượng Thần Bảo Hộ làm từ những thanh gỗ mít ngâm bùn, rồi xẻ ra, hong đốt và sơn đen bóng, tượng trưng cho sức mạnh hữu cơ mà như sắt thép của người Việt Nam.

Sử dụng chất liệu đơn giản, với phần “cốt” tượng hoàn toàn phơi lộ, kết hợp những mảng đắp chạm tinh vi, Lê Hữu Hiếu lột tả một quan điểm vô cùng độc đáo của người Việt Nam với thần linh: vừa thân thuộc, vừa thiêng liêng, vừa giản dị. “Tôi đưa ra một nhân vật, không phải là một vị thần cụ thể nào, nhân vật này là ngưỡng vọng, mong muốn thân thương của người Việt là được Trời Đất dung dưỡng, bảo vệ; mong muốn được sống trong hòa bình, an yên, được che chở khỏi mọi sự xấu xa dù từ thời tiết hay do thế lực thù địch tạo ra”, họa sĩ Hữu Hiếu chia sẻ.

“Mỏ vàng” lịch sử dân tộc

Điêu khắc và sắp đặt là những loại hình nghệ thuật giúp người xem tương tác sâu sắc hơn với tác phẩm. Ý tưởng nghệ thuật được phóng chiếu trong không gian 3 chiều, tương đồng với không gian sống của chúng ta, giúp người xem thả trí tưởng tượng vào câu chuyện của nghệ sĩ. Với cụm tác phẩm điêu khắc - sắp đặt Từ chiến thắng Bạch Đằng đến đại thắng 30-4-1975, cảm nhận của khán giả còn được nâng lên một tầm cao hơn, bởi quy mô và kích thước đồ sộ của công trình. “Đây là lần đầu tiên tôi xem triển lãm ngoài trời có tác phẩm cao và lớn như vậy, các tác phẩm kể về lịch sử nước nhà, làm mình thấy tự hào và thán phục thế hệ cha ông mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước”, Nguyễn Trọng Phan (29 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Bình Thạnh) bày tỏ.

Mất hơn 2 năm để hoàn thành tác phẩm, họa sĩ Hữu Hiếu chia sẻ: “Ước mơ về một tác phẩm liên quan đến cọc Bạch Đằng xuất hiện trong tôi từ hơn 10 năm trước. Tôi ấn tượng khi lần đầu tiên thấy cọc Bạch Đằng thật, tôi nghĩ ngay rằng đây chính là tác phẩm nghệ thuật. Trong một quá trình dài, tôi đã tìm rất nhiều phương án, làm sao để đưa cọc thành một tác phẩm nghệ thuật. Tôi muốn một tác phẩm làm sao có thể bao quát được toàn bộ quá trình lịch sử, những dấu ấn đậm nét nhất, mà nguồn gốc phải từ Bạch Đằng, từ nguồn sức mạnh vô tận mà ông cha ta để lại”.

Lê Hữu Hiếu (sinh năm 1982) - là họa sĩ châu Á đầu tiên được PDG Arte Communications (đơn vị chuyên tổ chức các triển lãm nghệ thuật có trụ sở tại Italy) mời dự triển lãm Biennale Venezia lần thứ 60 - năm 2024 tại Italy. Khám phá, tìm tòi và xử lý vật liệu là thế mạnh của anh, thông qua một cách tiếp cận mới, có thể gọi nó là pha trộn giữa hình thái nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại, họa sĩ mong muốn khán giả cảm nhận được sức sống mới, những điều mới mẻ đang thay đổi từng ngày ở đất nước.

Họa sĩ Hữu Hiếu bày tỏ: “Với cá nhân tôi, làm gì thì làm nhưng nguồn cội, giá trị gốc mà cha ông để lại chính là nền móng xây dựng nên bản thân mình. Tất cả những gì tôi làm, dù có thể mang tính học thuật từ phương Tây, hoặc bất kỳ nền văn hóa nào khác, nhưng chất liệu và nội dung ẩn sâu bên trong luôn luôn là tính bản sắc, các âm hưởng của văn hóa Việt. Ông cha ta đã để lại kho tàng giá trị văn hóa, tôi cảm thấy mình quá may mắn bởi đang ngồi trên một mỏ vàng khổng lồ để khai thác, để nghiên cứu và tạo nên những tác phẩm cho các thế hệ mai sau”.

Tin cùng chuyên mục