Quy định đã cập nhật yêu cầu mới, đó là cán bộ, đảng viên “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Nội dung này đã minh định một số trường hợp cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cao cấp, vừa qua thực hiện theo văn hóa từ chức với tinh thần tự nhận thấy và nhận lấy trách nhiệm bản thân trước tập thể; mặt khác chuẩn hóa một hiện tượng, tức thành quy định của Đảng, vốn đã được áp dụng trong thực tiễn một cách nghiêm minh, mà vẫn thể hiện tính nhân văn, tự giác.
Từ chức khi “không đủ khả năng, uy tín”, đặt ra yêu cầu khả năng, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, công tác của người cán bộ là trước hết, trên hết. Đó chính là “thiên chức” của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”. Và thực sự, nếu là người có khả năng thì ngoài ý thức tự nguyện, tự giác, họ cũng xứng đáng để tổ chức Đảng giới thiệu, chọn lựa.
Khả năng ấy, ngoài tự thân thì đó còn là quá trình “Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế” (Điều 2 - Quy định). Trước khi đi đến “từ chức khi không đủ khả năng” thì đề cao, khuyến khích, yêu cầu từng cán bộ, đảng viên chủ động nâng cao những nội dung “cần và đủ” để làm đầy và dày lên từng ngày khả năng phục vụ công tác của mình.
Nhận xét, đánh giá về khả năng của bản thân không ai xác đáng hơn chính người cán bộ đó. Khi một cán bộ có đủ sự trung thực, cầu thị nhận ra hạn chế, yếu kém, nhận ra “không đủ khả năng” từ bản thân là họ chủ động soi chiếu chính mình. Còn nhận xét, đánh giá về uy tín của một cán bộ, đảng viên lại chính là tập thể. Vì vậy, “thực hiện văn hóa từ chức khi không còn đủ khả năng, uy tín” là việc thực hành dân chủ. Không cán bộ, đảng viên nào có thể, có quyền cho mình đứng ngoài hay đứng cao hơn dân chủ - tập thể và tập trung.
Trên thực tế, nếu chúng ta quán triệt sâu sắc 5 nội dung ở Điều 3 - Quy định (cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư) cũng như đọc kỹ tác phẩm Sửa đổi lối làm việc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ hơn 70 năm trước để đánh giá, nhìn nhận về việc cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra sai phạm, sai phạm có tính lặp lại, gây hậu quả nghiêm trọng, thì việc cán bộ từ chức là điều nên và phải làm.
Khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác chuyên môn của một cán bộ được thể hiện cụ thể qua chính công việc điều hành, sự dẫn dắt, ra quyết định, kết quả trên từng vị trí đảm nhận. Thực tiễn không chấp nhận kiểu cán bộ lãnh đạo năng lực hạn chế, chuộng hô hào, hình thức, đối phó, nhưng bản thân thiếu lập luận, chính kiến, quyết tâm.
Đảng ta quy định rõ cán bộ, lãnh đạo ngoài năng lực tư duy, tổ chức, thực hiện còn là bản lĩnh, phép ứng xử, thái độ “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân” (Điều 2 - Quy định). Cho nên, xét ra việc từ chức khi không còn đủ khả năng, uy tín cũng là một cách “tự phê bình”, phần nào vãn hồi danh dự, uy tín của chính bản thân và cũng là nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.