Đây được coi là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế nhằm phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khi TCTC, các BV sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. PV Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, về vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương TCTC tại các BV công lập trên địa bàn TPHCM từ 1-10 tới đây?
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Bắt đầu từ 1-10, tất cả các BV công lập trên địa bàn TPHCM sẽ TCTC. Có nghĩa là ngân sách không còn rót xuống cho các BV và các BV phải tự lo toàn bộ nguồn thu cũng như tự cân đối thu - chi trong BV. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và lãnh đạo TPHCM. Sở dĩ, TPHCM lựa chọn thời điểm từ 1-10 bởi đây cũng chính là thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế với người không tham gia BHYT. Tôi nghĩ rằng đó là một xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, các khoản chi đầu tư như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị lớn, các BV vẫn cần sự hỗ trợ từ TP do khả năng của các BV hầu như chưa cáng đáng được.
Khi TCTC, các BV sẽ phải tự cân đối thu - chi, hay nói cách khác là “tự bơi” theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”, rõ ràng là một thách thức, bởi họ đã quen với “bầu sữa” ngân sách rót xuống?
Trong giai đoạn đầu, các BV sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bởi từ trước đến nay, các BV này chủ yếu sống bằng ngân sách. Lo nhất là quỹ lương trả cho nhân viên, bởi trước đây ít nhất ngân sách rót xuống sẽ giúp BV đủ trang trải phần này, nhưng khi đã tự chủ hoàn toàn, các BV buộc phải tự tính toán toàn bộ thu - chi. Do đó, nhiều BV sẽ rơi vào tình trạng “chới với”. Khó khăn thứ 2 là về nhân lực. Tôi dự đoán trong thời gian tới sẽ có những sự thay đổi lớn về nhân lực và đây cũng chính là điều mà các BV lo lắng hiện nay. Dù TCTC nhưng các BV vẫn phải tuân thủ quy định của nhà nước, nếu với một BV tư nhân họ sẵn sàng sa thải nhân viên nếu làm việc không tốt nhưng với BV công lập thì lại không thể.
Để có thể tự đứng vững trong cơ chế thị trường, các BV phải làm như thế nào, thưa ông?
Cốt yếu là phải thay đổi trong suy nghĩ và hành động của cả lãnh đạo BV cũng như nhân viên y tế, phải coi người bệnh là khách hàng của mình. Nếu BV phục vụ không tốt, nhân viên y tế phục vụ không chu đáo thì người dân sẽ lựa chọn khám chữa bệnh ở một BV khác, bởi hiện nay những người có thẻ BHYT có thể đến bất cứ BV nào trong cùng tuyến quận, huyện và từ năm 2021 sẽ liên thông tuyến tỉnh. Khi bệnh nhân không đến nữa thì sẽ không có nguồn thu và BV càng rơi vào khó khăn. Làm sao để khi người bệnh đến, họ và gia đình hài lòng, là thách thức không nhỏ đối với các BV.
Muốn tồn tại, các BV phải phát triển bền vững trong thế “kiềng ba chân”. Thứ nhất là phát triển chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, bởi nếu chuyên môn yếu BV sẽ phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì sẽ mất nguồn thu. Thứ 2 là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh, tạo ra sự cạnh tranh giữa các BV với nhau. Cạnh tranh ở đây không chỉ để giữ người bệnh mà cạnh tranh còn để giữ cán bộ nhân viên nữa. Thứ 3 là phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật, không phải tự chủ thì anh muốn làm gì thì làm.
Người dân lo ngại khi phải TCTC sẽ xuất hiện các hiện tượng như BV tìm mọi cách trục lợi BHYT, “tận thu” bệnh nhân để tăng nguồn thu, tăng lợi nhuận. Vậy bài toán quản lý ở đây là gì?
Dù TCTC nhưng các BV vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo các quy định của ngành y tế. Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng lên kế hoạch quản lý tự chủ của các BV cũng như hướng dẫn các BV tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong 5 năm qua, bên cạnh yêu cầu các BV tuân thủ các quy định của Bộ Y tế thì ngành y tế TPHCM đã có thêm quy định phải tuân thủ phác đồ điều trị. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị, thường xuyên kiểm tra giám sát đó là trách nhiệm của các nhân viên y tế, lãnh đạo BV và cơ quan quản lý ngành. Hiện Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kho dữ liệu phác đồ điều trị của riêng ngành y tế TPHCM và đây là căn cứ để giám sát, kiểm tra việc các bác sĩ, BV có tuân thủ đúng phác đồ điều trị hay không.
Xin cảm ơn ông!
BS Trần Văn Khanh - Giám đốc BV Quận 2:
Hiện giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học. Nếu giá viện phí được tính đúng, tính đủ thì khi TCTC, các BV sẽ đỡ chật vật hơn.