Tự chủ tài chính tại các bệnh viện: Chênh lệch đẳng cấp, nguồn thu

Bên cạnh một số BV thực hiện hiệu quả tự chủ tài chính vẫn còn nhiều đơn vị phải căng mình tìm cách tháo gỡ những khó khăn, bất cập.
Bệnh nhân chờ cấp phát thuốc tại Bệnh viện Huyện Củ Chi
Bệnh nhân chờ cấp phát thuốc tại Bệnh viện Huyện Củ Chi
Từ năm 2018, các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn TPHCM bắt buộc tự chủ hoàn toàn về tài chính, trừ những BV đặc thù. Việc thay đổi này phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, kết quả đạt được thời gian qua cho thấy, bên cạnh một số BV thực hiện hiệu quả thì cũng còn nhiều đơn vị phải căng mình tìm cách tháo gỡ những khó khăn, bất cập.
Những mô hình “tự chủ” thành công
Thực hiện tự chủ tài chính toàn phần từ năm 2011, BV Răng Hàm Mặt TPHCM đã chủ động đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt TPHCM, trong năm 2017, số lượt khám bệnh tại BV không ngừng tăng; tổng thu hơn 227,6 tỷ đồng, tăng 131% so với 2016. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại BV khá cao, 16 - 28 triệu đồng/tháng, tùy bậc. Mỗi năm đơn vị để dành 20 tỷ đồng từ lợi nhuận cho quỹ phát triển sự nghiệp của BV. Đặc biệt, mức thưởng cho cán bộ, công nhân viên dịp Tết Dương lịch vừa qua và Tết Nguyên đán sắp tới trung bình là 40 triệu đồng/người.
Cũng là đơn vị tiên phong thực hiện tự chủ tài chính, BV Quận Thủ Đức được đánh giá có sự phát triển mạnh mẽ, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu. BV đã mạnh dạn đăng ký trở thành đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo định hướng mô hình doanh nghiệp.
Qua gần 10 năm hoạt động, BV Quận Thủ Đức đã trở thành BV đa khoa cấp quận đầu tiên của cả nước được công nhận hạng 1. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức, cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận khám chữa bệnh hơn 6.000 lượt bệnh nhân. Hiện BV đang xây dựng theo hướng kỹ thuật cao với đầy đủ các chuyên khoa. Qua tự chủ tài chính, BV Quận Thủ Đức vừa đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ, y bác sĩ, vừa tích lũy tái đầu tư. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân, để có được mô hình BV tự chủ thành công, tập thể lãnh đạo quản lý phải chủ động, sáng tạo và quyết tâm. Mặt khác, phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các hoạt động.
“Nếu chỉ có chuyên môn tốt thì chưa đủ, để thu hút được người bệnh, cần một yếu tố quan trọng là thái độ phục vụ của y bác sĩ, nhân viên y tế. Song song đó, BV chủ động đầu tư các thiết bị kỹ thuật hiện đại, cử cán bộ đi đào tạo nâng cao tay nghề, từng bước làm chủ các kỹ thuật mới, tiên tiến”, bác sĩ Nguyễn Minh Quân thông tin.
Bệnh viện đa khoa kêu khó
Theo ghi nhận của phóng viên trong đợt giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại một số BV trên địa bàn TPHCM của HĐND TP, một số BV đa khoa vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, kỹ thuật, trình độ bác sĩ và trang thiết bị; thậm chí chưa được toàn quyền tuyển nhân sự, mua sắm, xây dựng...
Theo bác sĩ Nhan Tô Tài, Giám đốc BV Quận 12, mỗi ngày BV tiếp nhận 1.000 - 1.200 lượt bệnh nhân. Thời gian tới, khi chuyển sang cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính, BV Quận 12 sẽ đứng trước thách thức không nhỏ.
“Hiện cơ sở vật chất của BV vẫn còn thiếu thốn, phòng ốc, nhà cửa xây dựng từ lâu, xuống cấp. Cùng với đó, nguồn ngân sách hạn hẹp ảnh hưởng đến việc đầu tư cho công tác khám chữa bệnh; bệnh nhân chưa thực sự tin tưởng vào tuyến y tế cơ sở”, bác sĩ Tài lo lắng.
Cùng chung nỗi lo là BV Nguyễn Tri Phương. BV này cũng đang thực hiện tự chủ tài chính một phần và tiến tới tự chủ tài chính hoàn toàn theo chủ trương chung. Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, nói rằng BV đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nỗi lo lớn nhất là cơ sở hạ tầng của BV đã xuống cấp, thấm dột, trang thiết bị đã cũ nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, hiện giá khám chữa bệnh vẫn chưa được tính đúng tính đủ chi phí, khiến BV gặp khó khăn trong cân đối nguồn kinh phí hoạt động.
Theo bác sĩ Võ Đức Chiến, nếu các BV chuyên khoa được xem là khá thuận lợi khi thực hiện tự chủ tài chính, thì với BV đa khoa, điểm bắt đầu để thực hiện tự chủ tài chính chưa công bằng, vì điều kiện để các BV đa khoa phát triển không đồng đều. 
Đồng quan điểm, TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho rằng, BV là đơn vị đa khoa tuyến cuối nên chi phí điều trị của bệnh nhân rất cao, trong khi giá dịch vụ y tế ban hành cho tất cả các cơ sở y tế cùng hạng là chưa phù hợp; nhiều dịch vụ, kỹ thuật do BV tự trang bị, thực hiện, nhưng thu không đủ bù chi. Mặc dù BV tự chủ về mặt chi thường xuyên, nhưng giá thì lại không tính vào việc khấu hao tài sản nên BV gặp nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư phát triển.
Để có thể tồn tại trong quá trình tự chủ tài chính, các BV phải phát triển bền vững trong thế “kiềng 3 chân”. Thứ nhất là phát triển chuyên môn kỹ thuật, bởi nếu chuyên môn yếu BV sẽ phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, sẽ mất nguồn thu. Thứ hai là không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng khám chữa bệnh, để thu hút người bệnh. Thứ ba là phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật. 
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Tin cùng chuyên mục