Ở Việt Nam, đại học (ĐH) lớn hơn trường ĐH, vì người ta gom nhiều trường ĐH lại cho một ĐH để quản lý. Ngày xưa tại miền Nam Việt Nam, các viện ĐH quản lý các khoa hoặc trường, nếu là khoa quá lớn. Nhưng khi đất nước thống nhất, ngành giáo dục nhà nước không dùng cụm từ “viện đại học” mà thay chữ viện bằng chữ trường. Trước năm 1975, tại ĐBSCL có Viện ĐH Cần Thơ có 5 khoa đào tạo cử nhân, gồm: Khoa học, Luật khoa và Khoa học xã hội, Văn khoa, Sư phạm và một Trường CĐ Nông nghiệp đào tạo kỹ sư canh nông. Sau năm 1975, được đổi tên thành Trường ĐH Cần Thơ với 12 khoa.
Thực tế, hai cụm từ “ĐH không chữ trường” và “ĐH có chữ trường” cũng gây lúng túng khi chúng tôi nói chuyện với đối tác quốc tế khi dịch “ĐH” và “trường ĐH”. Chắc hẳn điều này ai cũng biết, kể cả cơ quan quản lý cũng biết, nhưng cứ mặc nhiên chấp nhận.
Khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục ĐH (năm 2018), khái niệm ĐH và trường ĐH đã rõ ràng. Một số trường ĐH cảm thấy mình cũng có thể bớt chữ “trường” để thành “ĐH”, rồi nâng mấy khoa lên thành trường, ông giám đốc ĐH sẽ có dưới tay mình nhiều hiệu trưởng. Như vậy dần dần nước ta sẽ có rất nhiều ĐH, rất nhiều hiệu trưởng.
Với 237 cơ sở giáo dục ĐH (chưa tính các trường ĐH, học viện thuộc khối an ninh quốc phòng), việc mở thêm nhiều trường ĐH nữa sẽ tạo cho sinh viên có thêm cơ hội vào ĐH. Tuy nhiên, điều đáng nói sẽ dẫn đến thực tế, đó là không đủ trang thiết bị, thiếu giảng viên/giáo sư giỏi và càng ít nhà nghiên cứu tài ba. Sản phẩm của các trường như thế chắc chắn sẽ khó đào tạo được người tốt nghiệp có chất lượng như kỳ vọng.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) đã kêu gọi đổi mới giáo dục và đào tạo của nước ta, và liên tục qua các Nghị quyết ở các Đại hội X, XI, XII và XIII đều được lặp lại, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội ta. Nhiều gia đình khá giả thường chọn cho con đi học nước ngoài hơn trong nước. Hy vọng khi có nhiều ĐH ra đời với thật nhiều trường ĐH được thành lập mới sẽ thể hiện được mong ước của 5 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, sẽ giữ chân con cháu nhà giàu ở lại học trong nước.
Song song đó, với số trường trung cấp và cao đẳng dần dần biến mất, nhu cầu cán bộ có trình độ trung cấp sẽ không còn nữa, thay thế bằng cán bộ có trình độ ĐH. Và từ từ, vì các trường ĐH phải đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, những người có bằng ĐH cũng sẽ học lên tiến sĩ. Ngay bây giờ, tại nhiều cơ sở, người ta không dùng thư ký có bằng thư ký, mà chỉ dùng người có bằng ĐH hoặc thạc sĩ làm thư ký.
Các quốc gia Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… đều đầu tư rất mạnh cho các trường trọng điểm vùng với lực lượng đào tạo và nghiên cứu hùng hậu. Trong khi đó, ngay cả các trường trọng điểm vùng của chúng ta (3 ĐH vùng gồm ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên), dù nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cũng chưa có đầy đủ thiết bị tối tân cho các giáo sư dạy và nghiên cứu khoa học thực hành. Do đó, phần lớn các trường ĐH của chúng ta khó đứng vào hàng đẳng cấp quốc tế, trừ hai ĐH có số GS và PGS tập trung đông đảo (ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội), và vài trường ĐH thu hút nhiều bài báo quốc tế.
Các trường ĐH sẽ được nâng cấp từ khoa hoặc viện nghiên cứu liệu có đủ kinh phí để trang bị thật tốt cho dạy và học chăng? Những người sẽ được đào tạo từ những trường này hy vọng sẽ được học đến nơi đến chốn, được trang bị kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp để tự tạo công ăn việc làm cho mình và nhiều lao động khác thì sẽ rất được hoan nghênh. Nhưng nếu ĐH chỉ biết mỗi đào tạo mà không có nghiên cứu, không đổi mới sáng tạo, không đóng góp gì cho cộng đồng thì e rằng đó chưa phải là trường ĐH.