PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng Khoa Luật của Trường đại học Văn Lang về vấn đề này.
Tự chủ đại học và chuyện học phí ở các trường công
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết đánh giá của ông về những kết quả mà giáo dục Việt Nam đạt được sau hàng thập kỷ "Đổi mới căn bản và toàn diện"?
PGS.TS BÙI ANH THỦY: Nhìn lại, qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, cũng như nhiều Hội nghị Trung ương Đảng, quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” ở Việt Nam tới nay không có bất cứ điều gì thay đổi.
Trong hơn 3 thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập mạnh mẽ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường đổi mới giáo dục - đào tạo nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là: “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”.
Nhờ chủ trương nhất quán đó, chất lượng giáo dục các cấp của Việt Nam đã cải thiện, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quản trị đại học trên bình diện quốc gia chuyển biến tích cực, bước đầu đẩy mạnh quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 cho thấy: chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trên 174 nền kinh tế; trong đó, tiêu chí về kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15. Trong các đợt đánh giá PISA (The Programme for International Student Assessment), nhằm đưa ra đánh giá có chất lượng và đáng tin cậy về hiệu quả của hệ thống giáo dục và thu thập thông tin cơ bản về ngữ cảnh dẫn đến những hệ quả giáo dục trên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) cho rằng, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả vượt trội so với mức trung bình của các nước trong khối.
Không hẳn chúng ta hài lòng với những kết quả trên. Tuy nhiên, nó cho thấy giáo dục của ta đã chuyển theo hướng tích cực và đang đi đúng hướng.
PV: Theo ông, đâu là định hướng của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới?
PGS.TS BÙI ANH THỦY: Một trong những đột phá có tính chiến lược liên quan đến giáo dục mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã khẳng định Việt Nam cần triển khai mạnh mẽ là: “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTW Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Ban Bí thư TW Đảng khóa XII đã có Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019, nhấn mạnh cần “nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; xác định các tiêu chí và từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở”.
Những Nghị quyết trên đã xác lập một cách rõ nét hướng đi cho giáo dục Việt Nam cả trước mắt, trung hạn và dài hạn.
PV: Theo ông những mục tiêu nào Giáo dục Việt Nam cần đạt được trong giai đoạn tới?
PGS.TS BÙI ANH THỦY: Rất rõ ràng, mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn hiện nay và trong dài hạn là xây dựng một nền giáo dục mở để mau chóng bắt kịp những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Nền giáo dục mở này phải tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người, để ai cũng có thể học hành, cũng như có cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. Nói một cách khác, nền giáo dục này giúp mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân qua nhiều phương thức đào tạo. Nó gạt bỏ bớt các rào cản hạn chế cơ hội tham dự của người học. Nó cũng đồng thời hướng tới việc chuyển quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức là chủ yếu, sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thông qua các hình thức giảng dạy - học tập đa dạng: trực tuyến, qua internet, các hoạt động cộng đồng, ngoại khóa, nghiên cứu, nhằm tạo ra một lực lượng lao động dồi dào, có đủ năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số, sáng tạo và hội nhập quốc tế, để đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.
Để đạt mục tiêu trên, giáo dục Việt Nam cần chú ý tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho người dân, ở bất kỳ trình độ nào, điều kiện nào cũng được tiếp tục học tập theo nguyện vọng; tạo điều kiện xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của mỗi người dân; liên tục nâng cao chất lượng; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; Có giải pháp hiệu quả nhằm ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, khu vực biên giới, hải đảo và các đối tượng hưởng chính sách. Bên cạnh các giải pháp đó, Nhà nước cần sớm hoàn thiện, định hình chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đại học phù hợp xu thế chung của thế giới, chuyển đổi các trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư.
Tự chủ đại học có còn cơ hội cho người nghèo?
PV: Xung quanh chuyện đẩy mạnh tự chủ đối với các trường đại học công lập, có nhiều ý kiến khác nhau về chuyện tăng học phí. Theo ông, vấn đề này cần được nhìn nhận ra sao?
PGS.TS BÙI ANH THỦY: Có nhiều ý kiến đề nghị, tự chủ đại học phải đồng nghĩa với việc trao quyền cho cơ sở giáo dục đại học công lập được tự quyết định tăng mức học phí đáp ứng yêu cầu gia tăng nguồn lực tài chính, do khoản kinh phí chi tiêu thường xuyên từ ngân sách đã không còn được cung cấp hằng năm nữa. Theo họ, học phí tăng giúp cơ sở đào tạo có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhân viên; thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học tại cơ sở.
Cá nhân tôi rất ủng hộ việc các cơ sở giáo dục đại học công lập đã tự chủ, được phép tăng học phí ở mức độ nhất định, có lộ trình và có kiểm soát, nhưng không thể tăng tới mức “đáp ứng kỳ vọng” của các cơ sở, vì đó là mức của những “chiếc thùng không đáy”. Chính sách học phí phải đạt hai mục tiêu: Một mặt, nó tạo cho cơ sở giáo dục đại học có thêm nguồn lực tổ chức thuận lợi các hoạt động học thuật, mở rộng hợp tác trong nước, quốc tế và phát triển. Mặt khác, nó phải đồng thời tính đến ước vọng của những con em nghèo, của những gia đình nghèo mong muốn con, em mình được vào học đại học.
Điều cốt yếu là, những người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ phải là những người được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng, có năng lực quản trị đại học, có uy tín chuyên môn, khoa học, có thể ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Họ thích hợp với cách nghĩ và phương pháp tiếp cận mới, không ỷ lại, trông chờ bầu sữa tài chính từ ngân sách Nhà nước. Những người này nhận thức rõ rằng, trường đại học phải luôn đề ra giải pháp thích hợp để có thể nhận được nguồn lực bổ sung từ xã hội, từ quốc tế, bên cạnh mức học phí đã tăng theo lộ trình. Đó là tiền đề để đại học phát triển.
PV: Ông có chia sẻ gì về chuyện những người nghèo và khát vọng được vươn lên của họ?
PGS.TS BÙI ANH THỦY: Chúng ta biết, đến nay, mặc dù nền kinh tế của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, thu nhập bình quân đầu người đã tăng, quy mô nền kinh tế đã gần kịp Thái Lan, nhưng, trên khắp đất nước vẫn còn một bộ phận lớn dân cư nghèo. Tài sản của họ gần như không có gì đáng kể. Thu nhập của họ rất thấp, lại bấp bênh. Việc những gia đình đó có thể gồng mình, lo cầm cố, vay mượn cho con cái có điều kiện được học ở ngoài tỉnh, lên thành phố là cả một nỗ lực đáng kinh ngạc, nhất là học ở bậc đại học. Nhưng đó là với mức học phí vừa phải, tăng dần từng năm, với thiện ý của Nhà nước, để những người nghèo có thể học được.
Trong thời gian khoảng 10 năm công tác tại một cơ sở giáo dục đại học công lập trước đây, tôi đã có dịp làm việc với hầu hết các địa phương từ Thừa Thiên - Huế trở vào, đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam bộ. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền của nhiều tỉnh tổ chức đào tạo nâng cao trình độ học vấn và chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng chục ngàn cán bộ địa phương, từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động cộng đồng tại các địa phương này. Quá trình thực hiện các công việc đó, tiếp xúc với người dân, tận mắt chứng kiến cuộc sống của nhiều người dân, giúp tôi hiểu rằng, một bộ phận nhân dân, trong đó có những người từng hy sinh, cống hiến tuổi thanh xuân, xương máu, hạnh phúc cá nhân cho nền hòa bình của dân tộc, của đất nước, đến nay vẫn đang còn sống rất thiếu thốn, vất vả và lam lũ.
PV: Vậy giải pháp thế nào để giải bài toán học phí đại học, thưa ông?
PGS.TS BÙI ANH THỦY: Thế nên, việc tăng học phí của hệ thống giáo dục đại học công cần tính đến đặc điểm trên. Bởi nếu không có sự kiểm soát của Nhà nước, nhiều trường đại học sẽ tăng học phí tùy tiện. Hậu quả là, chưa thấy chất lượng đào tạo và nghiên cứu được nâng cao nhưng, nó lại đã đẩy những con em nghèo ra khỏi các giảng đường đại học, trừ rất ít em có cơ may được tiếp cận nguồn học bổng nào đó, hay khoản vay ưu đãi. Lúc này, mặc nhiên, đại học sẽ chỉ dành cho con cái các quan chức, tầng lớp công chức, viên chức bậc trung, những gia đình khá giả, giàu có.
Hệ quả đó rõ ràng không phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và những chính sách của Nhà nước về giáo dục, liên tục được duy trì kể từ khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất vào năm 1975, đến nay. Và nhất là nó tạo ra sự thiếu hụt nguồn lực ở các vùng cần có sự ưu tiên bổ sung, tăng cường về “chất xám” cho công tác quản lý nhà nước và các hoạt động sản xuất – kinh doanh cũng như cung ứng các dịch vụ công cho người dân ở đó.
Chắc chắn, đó không phải là điều chúng ta muốn thấy.
Xin cảm ơn ông!