Phát biểu tại hội nghị tự chủ đại học (ĐH) ngày 4-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu nhiều vấn đề.
Theo Phó Thủ tướng, tự chủ không có nghĩa là tự do, tự lo, mà phải phù hợp với điều kiện Việt Nam. Điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam và xu hướng thế giới. Mục đích cuối cùng của tự chủ là để phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Giáo dục ĐH của chúng ta vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng. Không gian để phát triển giáo dục ĐH còn cả một chặng đường rất dài phía trước. Mở rộng tự chủ ĐH, con em chúng ta có cơ hội để tiếp cận giáo dục ĐH chất lượng. Nhưng nếu cho tự chủ, nâng học phí lên mà không có cơ chế về quỹ học bổng, học phí thì không công bằng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Tự chủ ĐH phải làm sao để sử dụng tốt hơn các nguồn lực, bao gồm con người, nguồn lực tài chính, phát huy hiệu quả nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và phải thu hút mạnh đầu tư từ doanh nghiệp. Mặt khác, tự chủ ĐH thay đổi quản trị, các trường thành mô hình quản trị tiên tiến, trở thành hình mẫu của không gian hoạt động có tính khoa học, văn hóa.
Về những kết quả tích cực của tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng khẳng định, các chỉ số liên quan đến chất lượng, xếp hạng đại học của Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể, có nhiều kết quả tích cực trên các bảng xếp hạng khu vực, thế giới. Số trường được các nhà tuyển dụng đánh giá chất lượng tốt lên ngày càng tăng, đặc biệt là các kỹ năng làm việc theo nhóm và sự mạnh dạn trong bộc lộ quan điểm của người học là tiến bộ rõ rệt. Trừ một vài trường hợp cá biệt, tuyệt đại đa số các trường thực hiện tự chủ đã có môi trường dân chủ hơn, kinh nghiệm của giáo viên tốt hơn.
Phó Thủ tướng lưu ý nguyên tắc đầu tiên, đó là tự chủ không phải là tự do. Nhất thiết phải tuân thủ pháp luật gắn với trách nhiệm của nhà trường. Các trường ĐH phương Tây, dù tự chủ về bộ máy, tài chính, học thuật và nhân sự thì vẫn phải có định hướng của nhà nước, không có tự do hoàn toàn.
“Chúng ta đừng nói tự chủ hoàn toàn như phương Tây, rất cảm tính. Bởi vì đây là thiết chế đi trước xã hội, tức là pháp quyền, là tuân thủ pháp luật”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải nhìn vào nguyên nhân tại sao các trường chưa tự chủ được. Tại sao còn một số trường chưa kiểm định được, vì các trường không muốn hay hệ thống kiểm định của Bộ GD-ĐT và các nơi định hướng chưa đúng? Tại sao một số trường chưa thành lập Hội đồng trường theo quy định của pháp luật? Các trường ĐH là đi đầu trong quản trị mà không tuân thủ pháp luật, nếu nói nặng đó là vi phạm pháp luật.
“Trường nào mà Chủ tịch hội đồng trường chưa làm Bí thư Đảng ủy là vi phạm pháp luật và quy định của Đảng. Đảng quy định như vậy rồi thì phải chọn Chủ tịch hội đồng trường làm Bí thư Đảng ủy. Hội đồng trường có rất nhiều chức năng, trong đó có quyết định các vấn đề lớn của nhà trường và vấn đề nhân sự. Đó là nguyên lý, không phải tự do muốn làm gì thì làm, phải tuân theo pháp luật”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, các trường nhất thiết phải có bộ quy chế nội bộ, công khai minh bạch trong toàn trường vì liên quan đến việc chi lương, chi thưởng và mức độ đoàn kết.
Bên cạnh đó, phải theo xu thế hội nhập quốc tế, phải tiếp tục hướng dẫn, cổ vũ, tạo điều kiện để các trường tham gia kiểm định quốc tế, xếp hạng quốc tế, công bố quốc tế. Một trong những sứ mệnh của ĐH không chỉ là phổ biến, dạy tri thức mà phải là nơi sáng tạo ra tri thức. Nhất thiết phải đổi mới căn bản về nghiên cứu khoa học trong các trường. Không làm dàn trải mà đầu tư vào một số trường có năng lực và có thể mời các giảng viên có đủ năng lực của các trường khác cùng tham gia chương trình, dự án. Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng tháo gỡ các nút thắt về tự chủ ĐH.
Các vấn đề cụ thể mà Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát, gồm: vấn đề kiểm định, làm sao để đây không còn là nút thắt, để các trường có đủ điều kiện tự chủ; có quy định rõ ràng về việc thành lập hội đồng trường và các cơ cấu theo quy định; giải quyết dứt điểm tồn tại của một số trường dân lập, tư thục; nghiên cứu và kiến nghị tiếp tục đổi mới vấn đề tổ chức và nhân sự.
Phó Thủ tướng nêu rõ, tự chủ ĐH là con đường một chiều không thể quay lại được, chỉ có tiến lên phía trước. Phải vượt qua khó khăn, không được lùi bước. Con đường này còn rất dài, đã dài thì phải đi cùng nhau. Các hiệp hội, các trường phải thực sự là đại diện cho tiếng nói chung của các trường ĐH. Trên con đường đi rất khó, rất dài này có nhiều điều mới khó lường, chúng ta phải sẵn sàng thích ứng. Mỗi trường ĐH không chỉ thực hiện theo luật mà hãy trở thành một hình mẫu, là một môi trường mà ở đó mọi giá trị tốt đẹp được lan tỏa ra xã hội.