Những dự án này bao gồm từ việc phát triển UAV mới, các cảm biến tăng cường khả năng của radar, đến các hệ thống chống tên lửa siêu thanh và các công nghệ phân tích hình ảnh vệ tinh. Kế hoạch đầu tư này cho thấy tầm quan trọng của công nghệ quân sự và phải chuẩn bị ứng phó với thách thức an ninh trong tương lai.
Cùng với đó, một phần nguồn kinh phí được sử dụng để tăng cường các kênh thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu quân sự, ví dụ như ngăn chặn chiếm quyền điều khiển UAV. Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) đã phân bổ 25 triệu EUR (27 triệu USD) cho mạng 5G quân sự, một số tiền tương tự cho các nguyên mẫu liên lạc vệ tinh và 24 triệu EUR (25,9 triệu USD) để phát triển các thiết bị không người lái dưới nước. Một khoản tài trợ khác để phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các phương tiện tự động có thể tương tác hiệu quả hơn.
Theo Giáo sư Anthony King của Đại học Exeter tại Anh, AI trong quân đội chủ yếu được sử dụng để phân tích dữ liệu lớn và nâng cao nhận thức chiến trường thông qua việc theo dõi dấu vết kỹ thuật số của đối thủ. EDF cũng đầu tư vào mô hình mới để chỉ huy các xe tự hành và dự án tích hợp thông tin từ các cảm biến, vệ tinh và các nguồn kỹ thuật số khác. Ngoài EDF, còn có nhiều chương trình khác do Chương trình đổi mới quốc phòng của Liên minh châu Âu (Eudis) và Quỹ Đầu tư châu Âu (EIF) triển khai để hỗ trợ tăng tốc các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực quốc phòng. EU cũng hợp tác với Quỹ Đổi mới NATO để thúc đẩy các công nghệ tiên phong như AI, không gian, robot và công nghệ sinh học.
Năm 2023, có đến 75% số trang thiết bị này được mua ngoài, chỉ có 25% là ở châu Âu. Các khoản đầu tư lớn và liên tục kể trên cho thấy châu Âu đang hướng tới việc tự chủ phát triển các công nghệ quốc phòng tiên tiến, nhằm khôi phục sự cân bằng trong mua - bán thiết bị quốc phòng, vốn lệ thuộc bên ngoài khu vực từ nhiều năm nay.