Khu di tích với hàng trăm hécta cây dầu nằm cạnh hồ vẫn còn dấu tích những hố bom B52, hầm Quân y như gợi nhớ đến một thời khói lửa, đạn bom của Chiến khu Dương Minh Châu. Ký ức về nơi đây thời chiến tranh đã nhường chỗ cho những xóm làng nông thôn mới (NTM) trù phú, còn đậm dấu ấn những cán bộ, đảng viên, những xã viên hợp tác xã đi đầu trong xây dựng cuộc sống mới sau những năm dài chiến tranh.
Gặp đội viên du kích mật
Men theo con đường ven hồ Dầu Tiếng, chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Hồng (SN 1951, ở ấp Bình Linh, xã Chà Là), được xem là một trong những “già làng” cách mạng ở Chiến khu Dương Minh Châu. Năm 1967, khi vừa tròn 16 tuổi ông đã hăng hái tham gia đội du kích mật thuộc xã đội Suối Đá với nhiệm vụ đêm đêm canh, dẫn đường cho du kích và cán bộ về ấp - khi đó là ấp chiến lược - mua lương thực hoặc tham gia rải truyền đơn gần đồn địch. Có lần tổ 3 người bị phục kích làm 2 đồng đội của ông hy sinh, còn ông may mắn thoát chết. Đến năm 1969 ông thoát ly vào rừng trong căn cứ ở xã Chà Là, cấp trên bố trí ông đi học y tá, năm 1973 ông làm Ủy viên thư ký ủy ban xã.
Nói về những ngày chiến tranh ác liệt, ông Hồng tâm sự: “Trong kháng chiến chống Mỹ, chỉ riêng lực lượng du kích xã Suối Đá đã có 57 người hy sinh. Trong chiến tích chung của Chiến khu Dương Minh Châu không thể không nhắc tới những chiến công vang dội của đội du kích xã Chà Là mang tên anh hùng Phạm Văn Cội, đã vượt qua bao gian khổ hy sinh, dũng cảm mưu trí đánh địch, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước”.
Theo Sở VH-TT-DL Tây Ninh, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân và dân Chiến khu Dương Minh Châu đã chịu nhiều hy sinh mất mát với 558 liệt sĩ, 392 thương binh, có đến 32 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 6.000 gia đình có công với cách mạng. Đó là chưa kể biết bao cán bộ, chiến sĩ từ mọi miền đất nước đã chiến đấu và hy sinh trên vùng đất này. Ghi nhận sự hy sinh, mất mát và đóng góp của quân, dân huyện Dương Minh Châu, Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho huyện và 6 xã gồm Chà Là, Bến Củi, Cầu Khởi, Phước Ninh, Lộc Ninh và Suối Đá.
Gia đình ông Lê Văn Hồng cũng là một trong những gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng, ông có cha là liệt sĩ, mẹ ông tham gia cách mạng và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác ở văn phòng UBND huyện, kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của huyện từ Trưởng ban Tuyên huấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ đến Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện cho đến tháng 12-2007 thì nghỉ hưu.
Linh hồn của nông thôn mới
Phước Ninh là một trong 6 xã của huyện Dương Minh Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và cũng là một trong các xã đi đầu trong phong trào xây dựng NTM của huyện. Chúng tôi được gặp bà Lâm Thị Có, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại - Dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (gọi tắt là HTX Phước Ninh), người được ví như “linh hồn” của HTX lẫn phong trào xây dựng NTM ở xã anh hùng này.
Tháng 12-2015, HTX Phước Ninh được thành lập với 13 thành viên sáng lập, chuyên kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật (không tính lãi) cho nông dân trong xã.
Theo đó, HTX bao thức ăn nguyên vụ cho người nuôi trồng thủy sản (ba ba, cá lóc) đồng thời đứng ra ký hợp đồng liên kết tiêu thụ theo chuỗi với các công ty ở Bình Dương, Đồng Tháp, TPHCM, trong đó có một công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp ở Bình Dương để lo đầu ra ổn định cho bà con. Nhờ đó, làng nghề nuôi cá lồng bè trên hồ Dầu Tiếng ngày càng phát triển với hơn 100 người đăng ký qua HTX. Trong số đó, có 20 xã viên chuyên nuôi trồng thủy sản và đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả.
Như hộ bà Hồ Thị Kim Nhật (SN 1986, ở ấp Phước Lễ) với mô hình nuôi vịt trên sàn thay cho chăn thả vừa quản lý được an toàn dịch bệnh, vừa tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng. Với 2 trại (mỗi trại 1.000 con) được làm chuồng trại khang trang với trồng 3ha lúa, mì (luân phiên một vụ lúa, một vụ mì/năm), bà Nhật thu lời khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Hay mô hình nuôi ba ba trong hầm đất của ông Trần Văn Tư đã được nhận giải thưởng Sao Thần nông năm 2018. Ông Tư là người tiên phong đem con ba ba về nuôi ở xã vào năm 2007, sau đó được HTX tiếp sức, hỗ trợ con giống không lấy lãi, trả chậm mà phát triển dần lên. Nhờ sự thành công của mô hình này, giờ xã có đến 66 hộ nuôi ba ba, góp phần hình thành nên làng nghề nuôi trồng thủy sản trù phú ven hồ Dầu Tiếng, giúp bà con Việt kiều từ Campuchia về an cư lạc nghiệp trên quê hương sau thời gian sống lênh đênh trên Biển hồ ở nước bạn.
Bản thân bà Có cũng là người từ TPHCM lên lập nghiệp từ năm 1996 và là gương thành công điển hình. Bà mở một đại lý phân bón nhỏ, sau thuê đất trồng mì và gầy dựng nên cơ nghiệp. Bà khoe vừa cùng con gái thuê 100ha đất ở Đồng Xoài để trồng mì trong đó riêng con gái bà có 80ha đất trồng mì được cơ giới hóa từ cày xới, gieo trồng và thu hoạch. Bà Có còn là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, tham gia nhiều chương trình do địa phương tổ chức, từ đền ơn đáp nghĩa đến an sinh xã hội, như tặng gạo cho đồng bào nghèo trong đợt Covid-19, trao học bổng cho học sinh nghèo của xã, vận động người dân hiến đất làm đường. Bà Có cũng là tấm gương nông dân vượt khó điển hình của xã góp phần làm nên những thành quả của chương trình NTM trên quê hương anh hùng.
Vai trò người đứng đầu
Những thành quả trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM ở Phước Ninh không thể thiếu vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Từ năm 2015-2018, xã Phước Ninh nổi lên với nhiều phong trào hành động thiết thực được nhiều người trong, ngoài tỉnh biết tới mà điển hình là trang Fanpage “Phước Ninh - Quê hương anh hùng” trên mạng Facebook để kịp thời đưa lên đó các chủ trương, chính sách mới của trung ương, của tỉnh, huyện và nhận phản hồi của người dân. Qua đó, Đảng ủy, chính quyền có thể nắm được thông tin, giải quyết kịp thời các phát sinh từ ô nhiễm môi trường đến nạn ma túy. Sau đó, các xã khác trong huyện làm theo và đến nay xã nào cũng có trang Facebook riêng như là một cách tương tác hiệu quả với dân.
Về nhận nhiệm vụ từ tháng 5-2015 khi Phước Ninh đã triển khai chương trình xây dựng NTM từ nhiều năm trước, nhưng chỉ đến giai đoạn 2015-2018 thì xã Anh hùng mới thật sự lột xác, gắn liền với hình ảnh của Bí thư Đảng ủy Trần Thị Thu Hiền. Với phong thái năng động, nhiệt huyết của một cán bộ đoàn, chị Hiền luôn có mặt ở các điểm nóng, khi hay tin có người nghiện ma túy xuất hiện ở đâu là y rằng ngay sau đó chị xuống ngay hiện trường trực tiếp chỉ đạo các lực lượng của xã vào cuộc. Nhờ đó mà các đối tượng nghiện hút, buôn bán ma túy không dám bén mảng tới khu vực Phước Ninh và 3 năm liền (2016-2018) xã Phước Ninh được tặng cờ thi đua của Bộ Công an về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là phòng chống ma túy.
Bí thư Đảng ủy Trần Thị Thu Hiền còn là người đề ra các ý tưởng, chương trình hành động thiết thực như Hội thi trang trí, chăm sóc văn phòng ấp sạch đẹp để tạo sự phấn khởi bà con nhân dân đến sinh hoạt hay vận động mua bảo hiểm y tế trả góp cho người dân trong xã với kết quả đã có hơn 90% dân số tham gia. Chị Hiền bật mí: “Bí quyết của xây dựng NTM chính là tạo được sự đồng thuận của người dân và quan trọng là mỗi tiêu chí phải gắn với một mô hình hay để nhân rộng”.
Theo ông Lê Văn Hồng, Khu di tích Chiến khu Dương Minh Châu có diện tích hơn 200ha, trong đó có 50ha rừng cây dầu tự nhiên tái sinh sau giải phóng và còn lại là rừng trồng. Khu vực rừng trồng đến tuổi vẫn khai thác nhưng cần giữ lại và mở rộng diện tích khu vực rừng tái sinh để lưu giữ ký ức truyền thống của một vùng Chiến khu Đ; phải sưu tầm thêm các hiện vật của thời kháng chiến trong đó có một lá cờ cỡ lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để thu hút du khách đến thăm, nhất là thế hệ trẻ mỗi lần vào đây cảm nhận được không khí của một thời hào hùng. |