Và điều đáng mừng là thế hệ các cán bộ, đảng viên trẻ được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Tân đang nắm giữ các cương vị chủ chốt của xã để viết tiếp trang sử mới cho quê hương.
Từ Vĩnh Lợi đến Chiến khu Đ
Nhìn bề ngoài, ông Thượng Công Lý trẻ hơn cái tuổi 86; da đồi mồi nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh. Ông sinh ra tại ấp 1, xã Vĩnh Tân (khi đó còn thuộc quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một) trong một gia đình nông dân và nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công mà ông được đi học bình dân học vụ, biết đọc, biết viết. Ông nói: “Chuyên môn của tui là nông dân, quen với việc trồng lúa, trồng thuốc lá”. Gia đình ông từng hăng hái sản xuất để cung cấp lương thực cho bộ đội, tham gia đi dân công hỏa tuyến. Vào đầu thập niên 60, ông tham gia Ban chấp hành Hội Nông dân của xã, ngoài nhiệm vụ tăng gia sản xuất còn tích cực vận động nhân dân đi dân công tải đạn, tải thương bộ đội. Sau đó ít năm chuyển sang làm công an, được tổ chức phân công là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Châu Thành cho đến ngày quê hương được giải phóng.
Ông Lý cho biết, khu vực trung tâm Vĩnh Tân bây giờ, ngày xưa toàn là rừng, nhiều nhất là cây cầy bộng. “Khu vực này có con suối chảy qua, nước lội tới lưng quần, vào mùa khô cũng không cạn nước. Bên này suối là Vĩnh Tân với khoảng 200ha, bên kia là rừng cỡ 150-200ha, vào những lúc địch càn, bố ráp ác liệt thì lực lượng ta lại rút qua bên kia suối. Bộ đội ở Chiến khu Đ trên Bình Phước, Đồng Nai chuẩn bị đánh trận ở phía Lái Thiêu hay Sài Gòn cũng về đây và sau khi đánh địch xong cũng rút về đây. Khu vực Chiến khu Vĩnh Lợi này có cái thế để bám trụ đánh địch lâu dài. Vào thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ, địch càn vào Vĩnh Lợi, đốt sạch nhà dân, có lúc máy bay trực thăng thả dù tung quân xuống, dân quân du kích chặt tre, vót chông cắm ngoài rừng sau nó hết dám xuống…”.
Do có địa thế quan trọng vừa gần đường thủy, vừa gần với vùng rừng núi cuối dãy Trường Sơn (Bình Phước, Đồng Nai) nên ngay từ tháng 2-1946, Chiến khu Đ được thành lập trên địa bàn Vĩnh Lợi với 5 xã Tân hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Tân, Lạc An (nay thuộc thị xã Tân Uyên). Khi chiến tranh ngày càng ác liệt thì Chiến khu Đ ngày càng được mở rộng lên vùng rừng núi hiểm trở từ biên giới Việt Nam - Campuchia, trở thành căn cứ địa của CK 7 - một tổ chức hành chính - quân sự của các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và TP Sài Gòn, do Trung tướng Nguyễn Bình được chỉ định làm Khu trưởng và Trần Xuân Độ làm Chính ủy. Và mật danh “Chiến khu Đ” được dùng để chỉ luôn cả vùng chiến khu rộng lớn ở vùng miền Đông Nam bộ và được coi là trung tâm kháng chiến - nơi ra đời và phát triển các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ.
KCN Công nghệ cao vươn tầm
Đất nước thống nhất, ông Thượng Công Lý tiếp tục công tác ở Công an huyện Tân Uyên cho đến tuổi hưu. Rồi ông tiếp tục được cấp trên phân công làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vĩnh Tân ngót 10 năm, kịp để lại dấu ấn với công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giúp Vĩnh Tân nhiều năm dẫn đầu huyện trên lĩnh vực này. Khi được hỏi: “Bác thấy cuộc sống bây giờ so với trước đây thế nào?”, ông trả lời chắc nịch: “So với thời chiến tranh thì đời sống nhân dân đã được nâng lên rất nhiều lần với nhà cửa kiên cố thay cho nhà tranh vách tre, nhà lợp ngói nhỏ; giờ đường nhựa thẳng tắp thay cho đường đất; xưa nhiều nhà không có nổi chiếc xe đạp, giờ nhiều nhà đã có xe hơi”.
Và điều làm nên sự đổi thay kỳ diệu ở vùng đất Chiến khu Vĩnh Lợi chính là sự hiện diện của KCN và đô thị Tân Uyên (VSIP 2 mở rộng), được tỉnh chọn quy hoạch từ năm 2007 với quy mô diện tích 1.133ha. Nơi đây đã thu hút được 334 khách hàng tham gia đầu tư với tổng số vốn FDI đăng ký lên tới 5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 54.468 lao động và bên ngoài KCN cũng có 28 doanh nghiệp nhỏ hoạt động. Đây chính là đòn bẩy để phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch dân cư, thu hút lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp - dịch vụ - thương mại, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, hộ giàu.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Tân Lê Hồng Phương hồ hởi: Nhờ có KCN VSIP 2 mở rộng mà nhiều tuyến đường giao thông chính yếu như ĐT 742 đi Cổng Xanh được nâng cấp, các đường ĐH 410, 409 được tráng nhựa từ năm 2019 tạo điều kiện cho đi lại và giao thương hàng hóa. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%. Đặc biệt là sự ra đời của chợ Vĩnh Tân do tư nhân đầu tư; hay Trường Mẫu giáo Hoa Mùa Xuân (đạt chuẩn quốc gia) do Công ty TNHH Hiệp Hòa Phát đầu tư xây dựng hơn 6 tỷ đồng, giải quyết nhu cầu gửi con em của công nhân và nhân dân địa phương. Anh Phương ví von: “KCN VSIP 2 mở rộng nằm trên địa bàn 3 khu phố 1, 3 và 5 thì đời sống dân cư thuộc các khu phố này khá hơn hẳn nếu so với các khu phố 2, 3, 6 vẫn còn nặng về làm nông nghiệp”.
Giới trẻ tự tin tiếp bước
Người dẫn đường cho chúng tôi tham quan Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi vào buổi chiều là bạn Hoài Anh, Bí thư Đoàn phường, người sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Vĩnh Lợi. Thấy chúng tôi ngạc nhiên về “cơ ngơi” của các đồng chí lãnh đạo phường Vĩnh Tân, Hoài Anh lý giải: “Đa số người dân ở lâu năm đều có đất rộng, khi thực hiện quy hoạch làm KCN VSIP 2 thì họ được nhận nhiều tiền đền bù, lương nhà nước thì đủ sống nên yên tâm công tác”.
Gây ấn tượng mạnh hơn với chúng tôi chính là dàn lãnh đạo phường hầu hết là những đảng viên trẻ, sinh ra và lớn lên trên quê hương Vĩnh Lợi; sau khi được đào tạo, có quá trình phấn đấu đã được tin tưởng giao nhiệm vụ lãnh đạo chủ chốt. Một trong số đó là anh Lê Hồng Phương (40 tuổi), Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Vĩnh Tân. Cha mẹ anh Phương đều tham gia kháng chiến, cha Phương là đảng viên nên khi học hết 12, anh đã tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự (thuộc quân số Trung đoàn 3, Sư 9, Quân đoàn 4), được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi còn trong quân ngũ. Trước khi ra quân, anh cũng đã hoàn thành khóa đào tạo sĩ quan dự bị với quân hàm thiếu úy (từ tháng 5-2020, Phương đã có quyết định lên Đại úy). Trở về xã, anh làm Thư ký Đảng ủy rồi qua thực tiễn công tác, có nhiều thành quả nên được phân công giữ vị trí như hiện tại. Vừa học vừa làm, Phương lần lượt học trung cấp (năm 2008), rồi tốt nghiệp cử nhân xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước (năm 2014) và cũng đã xong cao cấp chính trị (năm 2018). Đoàn viên thanh niên Vĩnh Tân xem Phương như một tấm gương về sự rèn luyện phấn đấu nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, anh rất ngại khi nói về mình và đó cũng là một đức tính khiêm tốn đáng quý của người đảng viên này.
Từ một xã nông thôn nghèo, bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh với hơn 80% nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại thì giờ đây, Vĩnh Tân đang là nơi viết tiếp câu chuyện thành công của liên doanh KCN Việt Nam - Singapore như một sự khẳng định cho chủ trương đổi mới, mở cửa do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước.
Đến hết năm 2019, Vĩnh Tân còn 18 hộ nghèo theo tiêu chí mới đa chiều, chiếm 0,8% tổng số hộ; hiện đã giảm thêm 4 hộ nghèo, còn 14 hộ, chiếm tỷ lệ 0,6% hộ dân thường trú. Toàn phường có 494 đối tượng chính sách, trong đó có 117 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và điều đáng mừng là không còn hộ gia đình chính sách nào thuộc hộ nghèo. Đảng bộ phường đang phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới, thu nhập bình quân đầu người từ 60 triệu đồng năm 2019 sẽ đạt 80-85 triệu đồng/người/năm vào năm 2025. |