Trong trường hợp này B52 trở thành tính từ khi nó được gắn sau một danh từ chỉ đồ vật là bát. Bát B52. Thời mới vào bộ đội tôi đã được trang bị một cái bát như thế. To, lòng bát đựng được gần 2 bò gạo, làm bằng sắt tráng men, bên trong màu trắng, ngoài xanh lá cây. Lính hay tếu. Tếu để quên gian khổ, tếu để đỡ nhớ nhà và đôi khi tếu cũng là một cách bình thường hóa những cái to tát. Chả có chi quan trọng. B52 cũng rứa, pháo đài bay đâu đâu, ngáo ộp đâu đâu, chứ với lính tráng bọn tớ cậu cũng thường thường như cái bát quân dụng thôi. Nhớ nhé!
Đấy là đùa. Chứ nó cũng ghê gớm lắm. Thời còn học cấp 3 ở Bố Trạch, Quảng Bình tôi đã thấy nó. Ba đường khói trắng in rõ trên nền trời xanh, nếu nó bay thẳng thì người lớn cứ yên tâm mà cấy cày gặt hái, trẻ con cứ vui vẻ đánh khăng đá võ, còn khi thấy hắn cua lại hướng vào phía mình thì lo mau mau tìm nơi ẩn nấp. Bom, rất nhiều bom sắp rơi thành thảm, thành vệt đấy. Cả không gian bị dồn nén, xô đẩy, chấn động dữ dội bởi sóng xung kích được tạo ra từ hơn 27 tấn bom trút xuống từ máy bay B52. Thảm bom tạo ra cảnh địa hình trên mặt trăng, hơn thế nữa, vì hàng trăm cái hố lở loét xám xịt nối tiếp nhau, mùi thuốc bom đặc sệt ngột ngạt vô cùng.
Trong những ngày tháng cuối cùng của năm 1972, Hà Nội đã thay mặt nhân dân Việt Nam anh hùng trả lời đế quốc Mỹ xâm lược bằng trận đánh vĩ đại Điện Biên Phủ trên không. Tôi dùng từ vĩ đại mà không ngại bị chê là sáo rỗng vì thực chất trận đọ sức giữa ta và địch, giữa chính nghĩa và phi nghĩa đã nói lên điều đó. Vĩ đại, bởi trước hết nó là minh chứng về sức chịu đựng huyền thoại của Hà Nội nói riêng và dân tộc ta nói chung. Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một số tỉnh thành khác ở miền Bắc trong 12 ngày đêm khốc liệt đó đã phải gồng mình trụ vững trước sự tàn phá của 36.000 tấn bom đạn Mỹ.
Hãy hình dung thế này: số bom đạn ấy còn lớn hơn số bom đạn giặc Mỹ từng thả xuống miền Bắc trong các năm từ 1969 đến 1971. Vĩ đại, bởi vì trong điều kiện trang bị kỹ thuật quân sự nếu xem xét một cách thông thường ta lép hơn giặc rất nhiều. Địch ngạo mạn cho rằng với tầm bay B52, khả năng tung nhiễu dày đặc rối rắm, lực lượng pháo đài bay, máy bay tiêm kích được tập trung cao độ như thế thì cao xạ, tên lửa, MIG của ta sẽ bị vô hiệu hóa.
Kịch bản có thể xảy ra đúng như vậy nếu ta không có quá trình chuẩn bị từ trước và rút kinh nghiệm kịp thời từ những tổn thất trong cuộc chiến. Vĩ đại ở chỗ, ta đã viết nên huyền thoại tháng 12-1972 trên bầu trời Thăng Long bằng 200% ý chí, bản lĩnh và sáng tạo, vô cùng sáng tạo của quân và dân ta. Một cuộc chiến tranh nhân dân hiện đại đã vít cổ pháo đài bay xuống đất.
Lịch sử chắc còn phải nhiều lần nhắc tới thời điểm và những tên tuổi này: 20 giờ 18 phút đêm 18-12, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa phòng không 261 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn hạ một B52 rơi xuống cánh đồng Phù Lỗ; 22 giờ 20 phút ngày 27-12 phi công Phạm Tuân lái MIG 21 cất cánh từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rào bảo vệ dày đặc của bọn F4H, F105 bắn cháy B52 trên bầu trời Mộc Châu (Sơn La); 21 giờ 41 phút ngày 28-12 phi công Vũ Xuân Thiều lái MIG 21 cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cũng đã bắn cháy pháo đài bay Mỹ và anh đã hy sinh trên bầu trời Tổ quốc thân yêu....
Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bất cứ lúc nào, nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nữa đều lắng sâu tiếng nói ấy như hướng về trái tim Tổ quốc thiêng liêng. Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói bất tử của dân tộc ta, vẫn vang lên mạch lạc suốt những ngày pháo đài bay Mỹ rải thảm Hà Nội. Nên nhớ, ngày thứ hai của chiến dịch B52 rải thảm Hà Nội, 4 giờ 30 phút ngày 19-12 một vệt bom giặc đã càn quét qua xã Mễ Trì, nơi có Đài Tiếng nói Việt Nam đóng.
Chúng muốn khóa miệng ta, muốn ta câm lặng trên nền tan hoang đổ nát, muốn dân tộc này trở về thời kỳ đồ đá. Kẻ thù của ta, dù đến từ phương Bắc hay phương Tây lúc nào cũng muốn ta không vượt qua được nỗi sợ hãi. Có lẽ chúng đã nhầm hoặc quên đi những bài học quá khứ. Và tinh thần Việt, bản lĩnh Việt, hào khí Việt, tâm hồn Việt lại vang lên đĩnh đạc, bình tĩnh trong những lúc khốc liệt dữ dội nhất: Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...
Mãi đến năm 1980, 8 năm sau trận thắng vĩ đại Điện Biên Phủ trên không tôi mới được ra Hà Nội, mới tận mắt thấy xác máy bay B52 của Mỹ tại Bảo tàng Quân đội (bây giờ là Bảo tàng Quân sự Việt Nam). Nghĩ lại, thật buồn cười, tên gọi của một loại máy bay hiện đại của Mỹ được đặt cho cái bát sắt của lính nhà ta. Máy bay B52. Bát B52. Và, xác B52. Chỉ mỗi điểm giống nhau đều là to đùng. Còn cái gì cũng khác, rất khác.
Chao ôi, ngôn ngữ lính, mới tếu táo làm sao!
Nguyễn Hữu Quý