Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM của UBND TPHCM ngày 14-11-2018, chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Từ 24-11, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TPHCM có hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại.
Chất thải phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 3 nhóm: nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Quyết định cũng chỉ rõ phải đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng nhóm chất thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại. Chất thải hữu cơ được thu gom vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật trong tuần; chất thải còn lại được thu gom vào thứ ba, năm, bảy trong tuần. Tùy điều kiện thực tế mà các địa phương có thể sắp xếp thời gian thu gom phù hợp và tùy khối lượng phát sinh của từng nhóm chất thải mà có thể tăng, giảm số ngày thu gom trong tuần.
Phương tiện thu gom có dòng chữ “Thu gom chất thải hữu cơ” hoặc “Thu gom chất thải còn lại”; phương tiện vận chuyển có dòng chữ “Vận chuyển chất thải hữu cơ” hoặc “Vận chuyển chất thải còn lại”. Nếu hộ gia đình, chủ nguồn thải không thực hiện phân loại chất thải rắn và chuyển giao chưa đúng theo quy định thì đơn vị thu gom được quyền từ chối thu gom.