(SGGPO).- Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP và có hiệu lực kể từ ngày 20-5-2010.
Về cơ bản, Nghị định mới quy định chế tài mạnh hơn đối với các vi phạm nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Ngoài tăng mức tiền phạt, tăng thêm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng, Nghị định bổ sung thêm một số hành vi bị coi là vi phạm, áp dụng thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TPHCM)...
Theo đó, so với Nghị định trước, Nghị định 34 có thêm Mục 7, Chương II với nội dung quy định “Áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt”.
Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Bộ GT-VT đã cho biết, trước tình hình ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng tại Hà Nội và TPHCM, Chính phủ đã đồng ý lựa chọn một số hành vi vi phạm phổ biến mà người tham gia giao thông thường mắc phải và có nguy cơ cơ gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực nội thành của Hà Nội và TPHCM để quy định áp dụng thí điểm mức phạt riêng cao hơn so với mức quy định chung từ 40 – 200%.
Đơn cử như người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, bị phạt từ 600.000 – 1 triệu đồng, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định bị phạt 1 – 1,4 triệu (mức chung là 600 – 800 ngàn đồng)…. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông bị phạt từ 300 – 500 ngàn đồng (mức chung là 100 – 200 ngàn đồng)…
Theo quy định của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, những quy định áp dụng thí điểm đối với Hà Nội và TPHCM được thực hiện thí điểm trong thời gian 36 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. UBND TP Hà Nội và TPHCM quy định cụ thể phạm vi khu vực nội thành của đô thị loại đặc biệt để thực hiện việc thí điểm.
Hàng năm, Bộ GT-VT chủ trì phối hợp với Bộ Công an, UBND các thành phố thí điểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện thí điểm; kết thúc thời hạn thí điểm, tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm và báo cáo Chính phủ đề xuất chủ trương thực hiện tiếp theo.
LÂM NGUYÊN
>> Mời bạn click vào đây để xem toàn văn Nghị Định