Theo quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện được Bộ Công thương ban hành, từ ngày 20-3, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng lên mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT), tương đương mức tăng 8,36% so với mức cũ.
Than, khí và điện đồng loạt tăng giá
Giải thích về lý do cũng như cơ sở để tăng giá điện lần này, ở cuộc họp báo do Bộ Công thương tổ chức chiều 20-3 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương Nguyễn Anh Tuấn nói rằng, việc điều chỉnh giá bán điện là thực hiện theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, chi phí đầu vào để tính toán giá bán điện được tính theo thông số đầu vào của tất cả các khâu như: phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Yếu tố quyết định điều chỉnh giá điện là giá nhiên liệu đầu vào. Từ ngày 5-1, giá than bán cho sản xuất điện điều chỉnh tăng 2,56% - 7,67% (tùy từng loại than) đã làm tăng chi phí phát điện lên hơn 3.000 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, bắt đầu từ ngày 20-3, giá than cũng được điều chỉnh bước 2 - tăng đồng thời với điều chỉnh giá điện.
Theo đó, than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sẽ tăng 3,77%; còn than của Tổng công ty Than Đông Bắc sẽ tăng 5%, ước tăng thêm chi phí của ngành điện khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2019, do than trong nước không đủ nên một số nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các nhà máy khác sẽ phải sử dụng than trộn giữa trong nước và nhập ngoại, ước cũng làm tăng chi phí lên khoảng 1.921 tỷ đồng.
Đối với khí, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng đồng bộ với việc tăng giá điện, bắt đầu từ ngày 20-3, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện cũng sẽ thực hiện theo giá thị trường, ước làm cho chi phí sản xuất điện tăng thêm khoảng 5.800 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm nay có một số khoản phải trả bằng ngoại tệ, như giá khí hiện nay hoàn toàn phải trả theo USD và theo tính toán thì tỷ lệ trượt giá năm 2019 là khoảng 1,36% cũng sẽ đẩy chi phí sản xuất điện lên.
“Trên cơ sở các thông số đầu vào này, chúng tôi đã tính toán điều chỉnh giá điện ở mức 8,36%”, ông Tuấn cho biết và bổ sung thêm, mức tăng này có ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI). Song, theo tính toán của Tổng cục Thống kê và các cơ quan của Chính phủ thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3% - 3,9%, vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Băn khoăn chi phí đầu vào
Sau khi Bộ Công thương quyết định tăng giá bán điện, trao đổi với phóng viên Báo SGGP chiều 20-3, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, Bộ Công thương và EVN phải làm rõ hơn “chi phí đầu vào” của giá điện. Người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia về điện mong muốn có sự công khai, minh bạch, chi li các khoản có liên quan đến chi phí đầu vào của 1kWh điện để mọi người có thể giám sát, cùng tham gia tính toán.
Đứng ở góc độ chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, cho rằng, người tiêu dùng hiện nay đang phải gánh chịu phần kém hiệu quả về năng suất và hiệu suất của ngành điện như: năng suất kém, tổn thất điện năng quá cao...
Ông Lâm dẫn chứng, 1kWh điện năng hiện nay phải gánh quá nhiều chi phí, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian và số lượng người được tính giá trên 1kWh là rất lớn. Vào năm 2013, tổn thất truyền tải hệ thống được công bố là 8,8% thì năm 2014 tăng trên 9% (trong khi cứ tăng thêm 1% là mất đi 1,1 tỷ kWh); hay chi phí cho truyền tải năm 2013 là 79,9 đồng/kWh thì năm 2015 đã lên mức 104 đồng/kWh.
Theo GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề hiện nay còn có tồn tại, bất cập từ sự độc quyền là EVN đang mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ với giá thấp nhưng vẫn tăng giá điện và giá điện chỉ có tăng chứ không giảm. Vào mùa mưa, nguồn nước cho thủy điện rất dồi dào nhưng cũng không bao giờ giảm giá điện. Nếu có một thị trường điện cạnh tranh, chắc chắn giá sẽ giảm.
Doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tối ưu hóa sản xuất
Trước việc giá điện tăng, nhiều doanh nghiệp nhận định sẽ tác động vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với việc dồn nén 3 năm nay không được tăng giá, cùng với giá than nguyên liệu tăng cao thì việc tăng giá điện hiện nay là thực tế chấp nhận được. Hiện các doanh nghiệp đã chủ động xoay xở tìm giải pháp tiết giảm cho phí.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH SX TM Cơ khí Hoàng Long (quận Bình Tân), cho biết: “Với hóa đơn tiền điện hiện nay, mỗi tháng chúng tôi phải trả trên 1 tỷ đồng. Khi giá điện tăng, ước tính mỗi tháng phải trả thêm khoảng 200 triệu đồng. Để bù vào khoản tăng chi ngoài dự trù này, chúng tôi đã lên kế hoạch tăng ca sản xuất vào giờ thấp điểm cũng như thay nhiều thiết bị điện thông minh để giảm chi phí. Tuy vậy, giá bán sản phẩm chắc chắn sẽ tăng ít nhất 5%. Điều này chúng tôi sẽ có thư ngỏ gửi đến bạn hàng để mong họ cùng thông cảm chia sẻ”. Tương tự, hầu hết doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho biết, giải pháp trước mắt là điều chỉnh giá bán sản phẩm, dịch vụ ở mức 30%-50% so với mức giá điện vừa được tăng.
Mặc dù “thông cảm” với ngành điện nhưng cộng đồng doanh nghiệp lẫn người dân đề nghị các đơn vị cần minh bạch hơn trong giá điện, để từ đó có thể hiểu và chia sẻ. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể minh bạch ngay giá mua bao nhiêu, giá bán bao nhiêu, giải trình rõ ràng hơn nữa. Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch trong giá điện từ chi phí đầu vào, duy trì bộ máy, chi phí truyền tải, hao hụt... Đồng thời cần có thêm sự tham gia của nhiều công ty tư nhân đủ năng lực trong lĩnh vực này để đảm bảo tính cạnh tranh.
Tăng thu 20.000 tỷ đồng nhưng chi thêm… 21.000 tỷ đồng Trước câu hỏi tăng giá điện thì EVN sẽ thu thêm được bao nhiêu, Chủ tịch Tập đoàn EVN Đinh Quang Tri cho biết, dự tính thu được khoảng hơn 20.000 tỷ đồng, tuy nhiên sẽ phải trả cho các khoản chi phí đầu vào tăng thêm, như cho than hơn 7.000 tỷ đồng, cho giá khí trong bao tiêu là 6.000 tỷ đồng, nộp ngân sách, khoảng 3.800 tỷ đồng là phần chênh lệch tỷ giá của các nhà đầu tư bên ngoài EVN, thanh toán cho tài nguyên nước (chi trả dịch vụ môi trường rừng)… Các chi phí về dầu, chênh lệch mua điện tăng lên cũng phải thanh toán bổ sung. Tổng thanh toán bổ sung cỡ khoảng 21.000 tỷ đồng. EVN là trung gian đi thu rồi trả cho đối tác. |