Nội dung chất vấn xoay quanh vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Theo chương trình, trong quá trình trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; ngoài ra có sự tham gia làm rõ vấn đề của các Bộ trưởng, trưởng ngành.
Tư duy nhận thức về cấp phép tác phẩm nghệ thuật còn theo lối cũ
Báo cáo về các vấn đề cử tri và ĐBQH quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV của Bộ VH-TT&DL gửi tới Quốc hội thừa nhận, thời gian qua việc quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vẫn còn những bất cập, lúng túng.
Lý giải nguyên nhân, bộ này cho rằng, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay.
Cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào (thực hiện cấp phép) mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước và tính chất hoạt động nghệ thuật thay đổi từng ngày, từng giờ. Vì vậy, bộ đã và đang có những chỉ đạo và giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập trên.
Trước đó, dư luận đã rất bức xúc với việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép cho tác phẩm Tiến quân ca. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thôi chức.
Giá trị về lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa lễ hội
Về lễ hội, Bộ VH-TT&DL cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội. Trong đó, lễ hội dân gian có hơn 7.000, chiếm 88,36%; lễ hội lịch sử, cách mạng là có 332 lễ hội, chiếm 4,16%; lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam có 11, bằng 0,12%...
Bộ này thừa nhận, không ít lễ hội do nặng về hình thức quy mô phải hoành tráng với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa hiện đại, nặng về trình diễn nghệ thuật, đạo cụ, phô diễn tốn kém nhưng nội dung đơn điệu, ít được đầu tư từ đó giảm tính tích cực, hấp dẫn của lễ hội.
Một số lễ hội còn có biểu hiện lãng phí. Còn xuất hiện hiện tượng bói toán, cờ bạc, thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội, nạn bán hàng rong, bán sách ngoài luồng, lôi kéo khách hành hương, nâng giá dịch vụ, đặt tiền công đức - giọt dầu tùy tiện, ăn xin, ăn mày... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội.
Bộ VH-TT&DL cho hay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội.
Hiện đang xuất hiện xu hướng tự ý nâng cấp, đặt tên lễ hội thành lễ hội cấp quốc gia, lễ hội quốc tế. Ý thức của một số bộ phận người dân phần nào có sự thái quá về niềm tin vào tín ngưỡng, với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc... dẫn đến tình trạng lượng du khách quá tải ở hầu hết các lễ hội lớn. Giá trị về lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa dẫn đến tình trạng chú trọng các hoạt động thương mại sinh lời, ít chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một.