Về trận mưa tối 6-8, Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ nhận định đây là trận mưa lớn và lâu nhất tại TPHCM trong những năm gần đây, với vũ lượng đo được từ 92,1 - 203,2mm. Các yếu tố gây ra trận mưa lớn là dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc bộ còn tồn tại yếu; trong khi đó rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam qua Bắc bộ và khu vực giữa Biển Đông hoạt động mạnh. Ngoài ra còn tồn tại một vùng hội tụ gió trên khu vực Nam Biển Đông khiến gió Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP thuộc Sở Xây dựng TPHCM, vũ lượng mưa tối 6-8 vượt công suất thiết kế của hệ thống cống thoát nước tại nhiều khu vực. Mặc dù TPHCM đã đầu tư hoàn thành nhiều dự án chống ngập, tình trạng ngập đã được kéo giảm về số tuyến đường ngập, chiều sâu ngập và thời gian ngập; đặc biệt khu vực trung tâm nhưng với trận mưa có vũ lượng hơn 200mm thì nhiều nơi đã ngập.
Vẫn theo ông Vũ Văn Điệp, yêu cầu cấp bách trong thời gian tới là không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết ngập; tập trung giải quyết ngập cho khu vực trung tâm và cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại. Các giải pháp gồm: Thực hiện nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước để giải quyết ngập cho 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại; Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước đặc biệt khu vực phía Đông TP; Đầu tư nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm về phía Nam; Xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật); Triển khai các dự án xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực Tây Sài Gòn và lưu vực Tham Lương - Bến Cát; Cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 3) nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị cho các lưu vực trên. Bên cạnh đó, cải tạo 7 trục tiêu thoát nước chính gồm rạch Bà Tiếng (UBND quận Bình Tân làm chủ đầu tư), rạch Xóm Củi, Bà Lớn, Thủ Đào, Ông Bé, Thầy Tiêu, xây dựng tuyến kè hai bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (đoạn từ sông Chợ Đệm đến cầu Tham Lương dài 19km), dự kiến khởi công đầu năm sau và hoàn thành năm 2025…
° Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia báo tin, ngày 7-8, trên khu vực giữa Biển Đông xuất hiện vùng áp thấp hoạt động trên dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua giữa Biển Đông.
Chiều 7-8, áp thấp có vị trí khoảng 12-13 độ Vĩ Bắc và 112-113 độ Kinh Đông, ít di chuyển. Trong khi đó, các trung tâm cảnh báo thiên tai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, phía Đông Philippines đang có một áp thấp khác hoạt động. Các hình thái thời tiết xấu này sẽ tiếp tục kích hoạt gió mùa Tây Nam ở Nam Biển Đông và Nam bộ mạnh lên nên ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7. Vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao 2 - 3m. Ở các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to trong ngày 8-8.