Theo đó, giá vé đối với ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng (nhóm 1) đi toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có mức giá khoảng 103.000 đồng.
Ô tô từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn (nhóm 2) đi toàn tuyến là khoảng 154.000 đồng.
Giá vé cho xe khách từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn (nhóm 3) đi toàn tuyến có mức giá khoảng 180.000 đồng.
Giá vé cho xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 feet (nhóm 4) đi toàn tuyến có mức giá là khoảng gần 232.000 đồng/xe.
Giá vé cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet (nhóm 5) đi toàn tuyến là gần 335.000 đồng.
Dự kiến sẽ tổ chức thu phí chính thức vào 0 giờ ngày 9-8-2022, việc thu phí sẽ kéo dài khoảng 14 năm 8 tháng.
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết, mức giá nêu trên căn cứ vào lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong những ngày qua và được sự thống nhất của UBND tỉnh Tiền Giang cùng Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Tuy nhiên, sau khi kiểm toán thực hiện kiểm toán dự án, thì mức giá này có thể được điều chỉnh cho phù hợp.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài khoảng 51,5 km có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Ngoài giảm tải cho Quốc lộ 1, tuyến cao tốc này còn rút ngắn được thời gian khá nhiều khi đi từ TPHCM đi Mỹ Thuận (và ngược lại) so với trước.
Theo Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau hơn 3 tháng vận hành miễn phí (kể từ ngày 30-4) cao tốc đón hơn 2,2 triệu lượt xe, trung bình mỗi ngày đêm có hơn 26.000 lượt. Thống kê của chủ đầu tư, xe nhóm 1 (dưới 12 chỗ, tải trọng dưới hai tấn; xe buýt) chiếm 55%; xe nhóm 5 (tải trọng trên 18 tấn, xe container 40 feet) chiếm tỷ trọng ít nhất, khoảng 6%.