Trước tình hình các ca mắc Covid-19 không ngừng tăng, sáng 30-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã chỉ đạo cuộc họp đột xuất, triển khai công tác phòng, chống Covid-19.
Chủ trì cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM.
Lùi kỳ thi tuyển sinh lớp 10, cấm tụ tập quá 5 người
Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, từ ngày 26-5 đến nay, TPHCM phát hiện 136 trường hợp mắc Covid-19 liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, trong đó có 3 ca đi về các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh.
Hiện, trên địa bàn TPHCM có tổng cộng 16/22 địa phương có liên quan đến các ca bệnh gồm: TP Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12. Tổng số F1 là 2.199 người, (1.151 mẫu âm tính, 1.048 chờ kết quả); tổng số F2 là 60.209 người (34.567 mẫu âm tính , 25.642 chờ kết quả).
Kết quả giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 của 5 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan Hội thánh đều thuộc biến chủng Ấn Độ (B.1.617.2). Hiện TPHCM đã ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả hai biến chủng được cho là có khả năng lây lan nhanh (biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh) ở các ca bệnh trong cộng đồng.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện TPHCM đang thực hiện phong tỏa tại các phường có nhiều ca bệnh theo Chỉ thị 16 như phường 3, 14, 15, 5, 9, 11 (quận Gò Vấp); phường Thạnh Lộc (quận 12). Các phường khác có ít ca bệnh thì phong tỏa theo khu phố có ca bệnh.
Bên cạnh đó, khuyến khích các công ty doanh nghiệp, làm việc trực tuyến. Các cơ quan nhà nước sắp xếp làm việc tại nhà, tuân thủ 5K trong quá trình làm việc.
Các bệnh viện nếu phát hiện ca bệnh trong nội trú thì phong tỏa toàn bộ bệnh viện cho đến khi kiểm soát được tình hình. Các bệnh viện phát hiện ca dương tính được sàng lọc từ đầu thì ngưng tiếp nhận bệnh để khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ khu vực người bệnh đến. Triển khai khai báo y tế điện tử cho tất cả các phòng khám trên địa bàn.
Đại diện quận Gò Vấp cho biết, từ ngày xuất hiện chuỗi lây nhiễm ổ dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, đến nay có 44 ca dương tính, 9 mẫu gộp đã dương tính và đang xét nghiệm mẫu đơn để chờ kết quả. Số F1 hiện nay đã cách ly là 125 người; F2 là 272 đang theo dõi tại 10 phường.
“Gò Vấp có 16 phường nhưng 10 phường có ca F2 để theo dõi” – vị này nói. Gò Vấp đã phong tỏa 27 điểm, hẻm, 6 nhà; các phường có ca mắc gồm 3, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 14, 15 và 16.
Khi phát hiện có ca nhiễm, quận đã thần tốc cách ly, điều tra, truy vết, khoanh vùng và cùng Sở Y tế TPHCM lấy mẫu xét nghiệm toàn phường 15 và phường 9; trong sáng 30-5 lấy mẫu xét nghiệm toàn phường 3 và chiều 30-5 lấy mẫu xét nghiệm toàn phường 5.
Liên quan đến phường 3 (địa điểm sinh hoạt của nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng) không phát hiện được vụ việc, đại diện quận Gò Vấp cho biết, khi quận điều tra thì đây là hẻm nhỏ, người dân cho biết hẻm này sinh hoạt rất kín tiếng. Khi đến họ có đeo khẩu trang nhưng vào trong thì bỏ ra. Đây cũng chính là sơ suất của địa phương. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc sau sự việc này.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, hiện TPHCM đã chuẩn bị 140 điểm thi đầu vào lớp 10 với hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi, hơn 15.000 cán bộ giáo viên coi thi.
Theo kế hoạch, kỳ thi diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 2 đến ngày 3-6. Từ ngày 4 đến 15-6 sẽ tổ chức chấm thi với khoảng 3.600 cán bộ chấm thi. Tiến trình hiện nay, đã tập huấn cho toàn bộ lãnh đạo các điểm thi, hội đồng in sao đề thi đã cách ly từ 27-5, theo kế hoạch ngày 2-6 thi xong mới hết cách ly. Đề thi đã hoàn thành ¾ để đúng ngày 1-6 chuyển đề thi tới tất cả 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Tất cả các quận, huyện và TP Thủ Đức đã họp ban chỉ đạo kỳ thi, chịu trách nhiệm bảo quản, chuyển giao đề thi cho các điểm thi sau khi tiếp nhận đề thi từ sở. Tình hình hiện nay theo báo cáo của các quận huyện, đến thời điểm này có 101 thí sinh diện F1, F2 sẽ không tham gia kỳ thi hoặc F2 đợi kết quả của F1 xong sẽ bố trí thi riêng ở các phòng riêng của các điểm thi.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, mặc dù đã chuẩn bị trong mỗi phòng thi chỉ có 24 thí sinh, các điểm thi chỉ có 10-20 phòng thi, mọi phương án cũng đã chuẩn bị…, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, nếu để an toàn, kỳ thi tốt, kiến nghị dời kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lại để bố trí, chuẩn bị các điểm thi an toàn hơn và đề xuất tùy theo tình hình dịch, có thể dời kỳ thi đến ngày 22, 23, 24-6.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp như thế này chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Chỉ thị nói không tụ tập trên 10 người trở lên ngoài công sở, trường học, bệnh viện; đề nghị Sở Y tế TPHCM nghiên cứu thực hiện không phải từ 10 người trở lên mà chỉ 5 người thôi và số biện pháp tăng cường hơn nữa.
"Chúng ta thực hiện giãn cách xã hội tại TPHCM là Chỉ thị 15 “cộng” (có tăng cường hơn so với Chỉ thị 15). Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 phong tỏa trong 15 ngày. Các biện pháp này được áp dụng kể từ 0 giờ ngày 31-5”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Việc phong tỏa quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường. Đề nghị triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị của UBND TPHCM trước đó. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất, các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiếu yếu vẫn hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, ngành y tế tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm trên diện rộng toàn TPHCM. Trước mắt triển khai lấy mẫu ngay tất cả các đơn vị bầu cử, tổ công tác bầu cử nơi có các thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tham gia bầu cử.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, với lực lượng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và Trung tâm Y tế các quận huyện sẽ không đủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mong muốn trường Đại học Y dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp cùng HCDC tổ chức các tổ lấy mẫu xét nghiệm; cố gắng 1 ngày lấy ít nhất 50.000 mẫu đơn.
Các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao lấy mẫu xét nghiệm tất cả bên cạnh khai báo y tế.
“Hiện nay tính riêng lực lượng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là 280.000 lao động và 3.000 chuyên gia cần lấy mẫu xét nghiệm hết. Người công nhân ra khỏi nhà máy, nơi là việc, sản xuất phải báo cáo người quản lý nhân sự; khi về phải khai báo y tế đàng hoàng”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Đối với chợ đầu mối, phải nhanh chóng có quy định áp dụng cho chợ đầu mối và có phương án ứng phó khi có dịch bệnh xuất hiện. Các quận, huyện phải có tổ an toàn Covid–19, ở những nơi diễn biến phức tạp phải có tổ ứng phó khẩn cấp.
Sở Công thương TP, Sở Du lịch TP và Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cần nắm cho chắc những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất nhỏ để có biện pháp tháo gỡ hỗ trợ theo gói hỗ trợ thứ 2.
Vấn đề an toàn cho người lao động được đặt lên hàng đầu nhưng cũng sẽ giải quyết các vấn đề thuộc về sản xuất, thuộc về hoạt động của doanh nghiệp đó.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu người dân TPHCM tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; khai báo y tế tự nguyện; thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình; tham gia có trách nhiệm với cộng đồng trong phòng, chống dịch; tham gia với các cơ quan phòng, chống dịch.
Người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị mình để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM trao đổi với các đại biểu trước buổi làm việc, sáng 30-5-2021. Ảnh: CAO THĂNG Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM hoan nghênh Ban Chỉ đạo đã tổ chức cuộc họp kịp thời, hoan nghênh sự nỗ lực cố gắng hết mình của các lực lượng những ngày qua, tập trung, phối hợp, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch. Các đơn vị đã có nhiều linh hoạt, sáng tạo, xử lý các vấn đề liên quan phòng, chống dịch và chia sẻ những khó khăn mà các đồng chí đã trải qua. |
Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại cuộc họp, sáng 30-5-2021. Ảnh: CAO THĂNG Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi mà phát hiện hơn 100 ca, cần phải đặt ra câu hỏi, liệu còn bao nhiêu ca đang lây âm thầm trong cộng đồng mà chúng ta truy chưa tới. Phải làm triệt để, nếu không để lây lan vào nhà máy, xí nghiệp thì càng nguy hiểm hơn. |